Trong số những CCB tham gia buổi gặp mặt, không có nhiều nữ, song chúng tôi rất ấn tượng với các cô nay đã ngoại lục tuần nhưng vẫn tươi trẻ trong bộ quần áo mới ríu rít vẫy tìm đồng đội như thể người thân lâu lắm mới có ngày gặp lại. Cô Nguyễn Thị Xuân quê ở xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn) đến dự buổi gặp mặt từ rất sớm. Cô Xuân vui vẻ nói, có lịch gặp gỡ với đồng đội, tôi phải thu xếp việc nhà, việc đồng áng từ mấy ngày trước. Ông nhà tôi tuy là rể của Sư đoàn 316, song cũng nhiệt tình đưa tôi đến tham gia buổi gặp mặt. Gặp được mấy chị em cùng đơn vị cũ tôi vui lắm.
Tuy ai cũng lên chức ông, chức bà, từ khuôn mặt đến dáng vóc, lời nói… đã có nhiều thay đổi nhưng chúng tôi vẫn nhận ra từng người. Cô Xuân bảo, kỷ niệm về các đồng chí, đồng đội, những ký ức về một thời bom đạn dường như vẫn còn nguyên trong tôi.
Năm 1968, cô Xuân lên đường nhập ngũ. Khi ấy, cô mới 16 tuổi. Thời ấy, cả lớp cô, rồi cả các bạn trong xóm của cô ai ai cũng náo nức lên đường tòng quân đánh giặc. Con trai thì nhập ngũ đi bộ đội, con gái thì đi thanh niên xung phong. "Dù là con gái, tuổi đời lại còn trẻ, song khi tôi đi thanh niên xung phong thì bố mẹ rất ủng hộ và tự hào. Ngày tiễn tôi lên đường, mẹ dúi vào tay tôi một dúm quả me chua.
Mẹ tôi bảo, mang vào đó mà chia cho bạn bè"- cô Xuân xúc động. Vào chiến trường, cô Xuân và hàng chục thanh niên xung phong khác được giao nhiệm vụ làm đường. Bom rơi, đạn lạc cày nát những con đường các cô gái nhỏ vừa đắp.
Nhưng chúng chẳng làm các chị nao núng, lại nhanh nhẹn tay cuốc, tay xẻng lao ra vá đường, mở lối cho đồng đội tiến lên.
Những lúc rảnh rỗi hay những buổi tối trăng sáng vằng vặc, các cô gái nhỏ ngồi tựa vào nhau, cùng hát khe khẽ rồi kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương của mình. Rồi có người thì sụt sùi khóc vì nhớ thầy, nhớ u.
"Mấy chị lớn tuổi hơn ra dáng đàn chị yêu cầu không ai được khóc, nhưng rồi chính các chị ấy cũng khóc, thậm chí còn khóc to hơn ấy"- cô Xuân kể. Những khoảnh khắc yên bình ấy thật hiếm hoi. Bởi khi có người còn chưa ráo nước mắt thì bom thù lại dội xuống.
Sau mỗi đợt địch ném bom, khói bụi còn bay mù mịt, các cô chỉ biết gọi tên nhau để… điểm danh. Ai không lên tiếng nghĩa là đã hy sinh. Việc khâm liệm, an táng cho đồng đội các cô phải làm cả. Rồi lại tất bật bắt tay vào công việc vá đường, mở lối.
Phải vài ngày sau, khi công việc đã tạm ổn, các cô mới thấy nhớ da diết những đồng đội đã hy sinh. "Là con gái, dù có bản lĩnh bao nhiêu thì vẫn là những người yếu mềm. Mấy chị em lại túm tụm ôm lấy nhau mà khóc, mà gọi tên đồng đội"- cô Xuân chia sẻ và giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt.
Người thương binh già Trần Ngọc Huy ở phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình, năm nay ông đã 76 tuổi. Trí nhớ không còn tốt, song với ông, niềm hạnh phúc vỡ òa khi nhận được tin đại thắng mùa xuân năm 1975 thì vẫn không thể nào quên.
Ông Huy kể, ông nhập ngũ từ năm 1964, khi ấy mới 21 tuổi, thuộc biên chế của Sư đoàn 316. Ông đã cùng đồng đội kề vai sát cánh cùng quân và dân nước bạn Lào chống lại kẻ thù chung.
Những địa danh như: Luông Pha Băng, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng… đã in đậm dấu chân và chiến công của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 316. Trong một lần chiến đấu ở Nậm Sưa, ông Huy bị thương nặng và được đưa ra dưỡng thương ở miền Bắc. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, đơn vị ông lại trở về cùng quân và dân cả nước đánh giặc Mỹ xâm lược.
Tháng 1-1975, Sư đoàn hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch Tây Nguyên cùng với các Sư đoàn bộ binh khác. Sư đoàn 316 đã vinh dự được tham gia đánh trận mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, đập tan Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn nằm trong đội hình của Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, làm chủ địa bàn Trảng Bàng, Tây Ninh, Bầu Nâu, Phước Mỹ… mở tung cánh cửa thép phía tây tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc.
Tuy không được trực tiếp tham gia chiến dịch, song những tháng ngày dưỡng thương trên giường bệnh, không lúc nào ông rời chiếc đài bán dẫn. "Nghe phát thanh viên tóm tắt từng trận đánh, hoan hỉ báo tin thắng trận ở tất cả các mặt trận, tôi và anh em thương binh đều vỡ òa niềm hạnh phúc.
Ngày này chúng tôi chờ đợi rất lâu rồi. Bao lời hứa hẹn của những đôi trai gái, của những người con lâu ngày xa quê hương, gia đình… đều chờ đợi đến ngày chiến thắng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và ngày ấy đã đến. Chúng tôi đã khóc vì hạnh phúc"- thương binh Trần Ngọc Huy xúc động.
Còn với Cựu chiến binh Hà Văn Tô, ông là người tham gia chiến đấu trực tiếp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày đất nước thống nhất, cũng là ngày ông xuất ngũ trở về địa phương làm một người nông dân chăm chỉ. Hành trang trở về của người lính ấy là chiếc ba lô, chiếc cặp lồng- những kỷ niệm của chiến trường. Giờ đây, lão nông ấy đã nuôi 4 người con trưởng thành và hàng ngày vẫn hăng say với công việc cày, cuốc.
Nhắc đến chiến thắng năm xưa, người lính già vẫn cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. "Không ai có thể quên được thời khắc lịch sử khi lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, hay những cảm xúc đặc biệt khi được đi dưới rừng cờ hoa, giữa tiếng hoan hô "Việt Nam thống nhất muôn năm", "Bác Hồ muôn năm", "Quân giải phóng muôn năm" của người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng chiến thắng. Chiến thắng ấy phải đánh đổi biết bao xương máu của đồng bào ta.
Vì vậy những người lính được trở về như tôi, những thế hệ trẻ được hưởng hạnh phúc của hòa bình không bao giờ được phép quên"- ông Tô xúc động.
Bài, ảnh: Đào Hằng