Những kết quả nổi bậtSau 10 năm thực hiện Nghị quyết, khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, số tổ hợp tác tiếp tục được nâng lên, các HTX về cơ bản đã chuyển đổi xong theo Luật HTX, nhiều HTX được thành lập mới với nhiều ngành nghề mới như: HTX vệ sinh môi trường, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ… Kinh tế tập thể đã được củng cố một bước về tổ chức, từng bước hoạt động có lãi, tích lũy đầu tư phát triển. Toàn tỉnh đã phát triển được 2.795 tổ hợp tác với trên 50 nghìn lao động; 376 HTX các loại với trên 295 nghìn xã viên, trên 7 nghìn lao động trực tiếp đang làm việc tại các HTX. Các HTX nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò của mình, chủ yếu thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cho xã viên (tưới tiêu, bảo vệ, cung ứng giống, vật tư, làm đất…), bình quân mỗi HTX trên địa bàn làm được 4,1 khâu dịch vụ các loại. Ngoài ra, một số HTX thực hiện các dịch vụ khác: dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ nước sạch; dịch vụ tín dụng nội bộ; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm.
ở lĩnh vực phi nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 75 HTX, tăng 34 HTX so với năm 2001, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông, thương mại, điện nước… Các HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đã phát huy tay nghề lao động, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực vay vốn, quỹ, máy móc thiết bị, công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký, tạo nhiều sản phẩm, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động.
Các quỹ tín dụng nhân dân (37 quỹ tín dụng nhân dân với trên 29.000 thành viên) phát triển tương đối ổn định, quy mô phát triển ngày càng được mở rộng, hoạt động khá hiệu quả, nợ xấu giảm, đảm bảo hệ số an toàn cho vay vốn.
Nổi bật là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/T.Ư, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế tập thể như: Mô hình HTX liên doanh trong sản xuất nông nghiệp ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, là mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp có quy mô 200 ha trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm với 5.000 con lợn siêu nạc, có vốn đầu tư 11 tỷ đồng đã đem lại thu nhập cao cho các thành viên HTX; mô hình HTX kinh doanh tổng hợp ở HTX Yên Thượng (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô), xã Gia Xuân (Gia Viễn), Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) đã tổ chức sản xuất nấm, mây tre đan, nứa chắp, cói, thêu ren... tạo nhiều việc làm cho xã viên trong lúc nông nhàn, nhất là những nơi bị thu hồi đất làm khu công nghiệp, đô thị mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Tuy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng khu vực kinh tế tập thể của tỉnh ta vẫn chưa thoát khỏi yếu kém kéo dài. Hiện nay, đa phần các tổ hợp tác thành lập tự phát, quy mô nhỏ, tổ chức chưa chặt chẽ, ít vốn và chưa đăng ký hoạt động với chính quyền. Số lượng các tổ hợp tác thường xuyên biến động. Việc theo dõi, đánh giá hoạt động của các tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn, lại phân tán.
Một số HTX sau chuyển đổi chưa được củng cố theo nguyên tắc của Luật HTX, năng lực tài chính, năng lực quản lý còn hạn chế nên khả năng phát triển chậm, chưa thích ứng kịp trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp mới có 65% số HTX có trụ sở làm việc, còn lại phải làm việc nhờ vào nhà chủ nhiệm hoặc thuê mướn; có 95 HTX đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13,6% chủ nhiệm HTX có trình độ đại học và cao đẳng. Về tài sản, các HTX nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bình quân tổng tài sản mỗi hợp tác xã là trên 1,1 tỷ đồng; doanh thu các hoạt động dịch vụ bình quân năm 2011 đạt 628 triệu đồng, một số HTX quy mô nhỏ có doanh thu thấp chỉ đạt từ 19-50 triệu đồng; số HTX hoạt động có lãi chiếm gần 66%, số HTX bị thua lỗ khoảng 12%, còn lại là hòa vốn. Với những con số biết nói này, có thể khẳng định hiện nay các HTX nông nghiệp (chiếm đa số trong khu vực kinh tế tập thể) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, trong những năm gần đây việc liên kết trong tiêu thụ hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… giữa HTX và doanh nghiệp trở nên phổ biến hơn. Qua liên kết hợp tác đã có nhiều mặt hàng của xã viên được đảm bảo về đầu ra và giá cả như rau quả, mía, cói, lợn hướng nạc, nấm ăn, nấm dược liệu... Tuy nhiên, nhiều HTX nông nghiệp chưa liên kết được với doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản cho xã viên do đa số các HTX thiếu thông tin thị trường và các doanh nghiệp chưa chủ động trong hợp tác liên kết.
Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh ta đề ra mục tiêu, phương hướng: Phát triển kinh tế tập thể cần hết sức đa dạng, trên cơ sở liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực, địa bàn. Phát triển kinh tế tập thể phải phù hợp với tính chất của lực lượng sản xuất, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân với phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tế, không chủ quan, nóng vội hoặc gò ép. Tập trung củng cố lại các HTX theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, coi trọng hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích thiết thực cả về kinh tế, xã hội cho xã viên, thành viên, nhất là góp phần xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể của tỉnh ta từ nay đến năm 2020 là tiếp tục củng cố và phát triển kinh tế HTX; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để đến năm 2015 mỗi xã có ít nhất một tổ chức sản xuất, kinh doanh theo loại hình kinh tế hợp tác hoặc có 2-3 trang trại hoạt động hiệu quả; nâng cao tỷ lệ cán bộ chủ chốt được qua đào tạo, bồi dưỡng tương đương với trình độ trung cấp trở lên đạt 55%; phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người lao động trong HTX, tổ hợp tác lên 2 lần so với hiện nay.
Để thực hiện được mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới, các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã, các HTX phải tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả 5 quan điểm phát triển kinh tế tập thể đã được xác định trong Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời cũng cần thấy rõ "Phát triển kinh tế tập thể phải rất kiên trì và toàn diện, vì đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp liên quan đến đời sống kinh tế của hàng trăm nghìn hộ xã viên và người lao động, những người sản xuất, kinh doanh nhỏ trong các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là ở nông thôn và tầng lớp có thu nhập thấp, nghèo ở thành thị". Do đó, cần tập trung quan tâm hơn nữa đối với phát triển kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể từng bước thoát khỏi những khó khăn, yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Hồng Giang