P.V: Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu của cuộc Tổng điều tra kinh tế 2017? Đ/c Đinh Thế Thập: Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đáp ứng 3 mục đích sau: Đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Cung cấp số liệu để tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2016 như chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê khác. Bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu để lập dàn mẫu tổng thể áp dụng cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Yêu cầu của cuộc Tổng điều tra: Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu trữ dữ liệu cuộc Tổng điều tra phải thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của phương án Tổng điều tra; thông tin điều tra phải đầy đủ, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, có tính khả thi và đảm bảo tính so sánh quốc tế; nội dung điều tra phản ánh sát thực tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu tổng hợp số liệu thống kê chính thức năm 2016; việc quản lý tài chính phải bảo đảm đúng chế độ hiện hành, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.
P.V: Đồng chí có thể cho biết nội dung, đối tượng tổng điều tra; đơn vị và thời điểm tổng điều tra?
Đ/c Đinh Thế Thập: Đối tượng điều tra là các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc mọi loại hình kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, thỏa mãn cả ba điều kiện sau đây: Có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế; Có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp; có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh.
Đơn vị điều tra của Tổng điều tra được chia thành 4 khối: Khối doanh nghiệp; khối hành chính, sự nghiệp; khối cá thể; khối tôn giáo. Khối doanh nghiệp và hành chính, sự nghiệp thời điểm điều tra từ ngày 1-3-2017; khối cá thể và khối tôn giáo thời điểm điều tra ngày 1-7-2017.
Nội dung Tổng điều tra bao gồm 6 nhóm thông tin sau: Nhóm thông tin chung về cơ sở (gồm thông tin định danh của cơ sở, ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh, loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, cơ sở...); nhóm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động (gồm thông tin về người đứng đầu cơ sở; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động); nhóm thông tin về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (gồm tài sản, nguồn vốn, kết quả, chi phí của hoạt động sản xuất, kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư thực hiện; tiêu dùng năng lượng; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp); nhóm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (gồm sử dụng máy tính, mạng Internet cho sản xuất, kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động mua, bán hàng hóa, kinh doanh qua mạng Internet); nhóm thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp (gồm mục tiêu, kết quả tiếp cận và lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn); nhóm thông tin chuyên đề về doanh nghiệp (gồm đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu với nước ngoài).
P.V: Vậy, cuộc Tổng điều tra kinh tế lần này có gì khác và mới so với các cuộc Tổng điều tra lần trước?
Đ/c Đinh Thế Thập: Như chúng ta đã biết, đây là lần thứ 5 thực hiện cuộc Tổng điều tra (qua 4 lần vào các năm 1995, 2002, 2007, 2012). Nhìn chung, về cơ bản nội dung là giống nhau; tuy nhiên mỗi năm theo nhu cầu đòi hỏi thông tin phù hợp với tình hình thực tế nên có những điều chỉnh và bổ sung. Cuộc Tổng điều tra năm nay có những nét mới sau: Do Luật Thống kê sửa đổi và có hiệu lực năm 2015 có quy định tăng cường khai thác thông tin thống kê qua hồ sơ hành chính và để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác nên tên gọi cuộc Tổng điều tra lần này được đổi tên thành Tổng điều tra kinh tế năm 2017, thay tên gọi trước đây là Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Phạm vi điều tra ở các cuộc Tổng điều tra trước đây thì từ ngành A đến ngành S, cuộc Tổng điều tra lần này phạm vi mở rộng từ ngành A đến ngành U trong Bảng phân ngành kinh tế năm 2007. Thời gian điều tra khối hành chính, sự nghiệp được chuyển từ tháng 7 ở các lần trước về tháng 4/2017 để thuận tiện cho việc gặp các đơn vị điều tra, đặc biệt là khối trường học phổ thông vì tháng 7 là thời gian nghỉ hè. Cách thức tổ chức và thu thập thông tin: Kết hợp điều tra doanh nghiệp và điều tra cá thể năm 2017 trong Tổng điều tra; Tập đoàn, Tổng công ty có hoạt động hạch toán toàn hệ thống do Tổng cục Thống kê tổ chức điều tra; Cơ sở hành chính, sự nghiệp Trung ương do Ban chỉ đạo Trung ương phối hợp với các bộ, ngành trực tiếp triển khai; các đơn vị thuộc ngành dọc do địa phương triển khai. Bổ sung, đổi mới nội dung phiếu điều tra: tăng 13 loại phiếu so với năm 2012, chủ yếu do tách riêng các phiếu cho sát với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị điều tra. Công bố thông tin: rút ngắn thời gian công bố, tiếp tục phát triển các phân tích chuyên đề theo ngành kinh tế, vùng kinh tế…
P.V: Xin đồng chí cho biết kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra của tỉnh?
Đ/c Đinh Thế Thập: Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh chi tiết từng công việc, trong từng thời gian cụ thể để từ đó triển khai thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra. Cụ thể như sau: Tháng 10 đến 11-2016: Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh Ninh Bình; hướng dẫn UBND các huyện, UBND các xã/phường/thị trấn thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp. Tháng 1 đến 2-2017: Rà soát và lập danh sách đơn vị điều tra khối doanh nghiệp; họp Ban chỉ đạo tỉnh triển khai tổ chức thực hiện. Tháng 3/2017: Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra ở cấp tỉnh; rà soát và lập danh sách đơn vị điều tra khối hành chính, sự nghiệp; tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo cấp huyện triển khai thực hiện kế hoạch điều tra; chuẩn bị các loại tài liệu, phiếu điều tra; thực hiện điều tra khối doanh nghiệp. Tháng 4-2017: Thực hiện công tác tuyên truyền đợt 1 (cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2017); tuyển chọn người tham gia lập bảng kê; tập huấn nghiệp vụ lập bảng kê cho cán bộ lập bảng kê khối cá thể và tôn giáo; thực hiện việc lập bảng kê khối cá thể, tôn giáo; tiến hành điều tra khối doanh nghiệp và khối hành chính, sự nghiệp. Tháng 5/2017: Tiếp tục điều tra khối doanh nghiệp, hành chính, sự nghiệp; nghiệm thu, đánh mã ngành kinh tế danh sách khối cá thể; chọn mẫu đơn vị điều tra khối cá thể; thực hiện giám sát ở các cấp. Tháng 6/2017: Nghiệm thu phiếu khối doanh nghiệp, hành chính, sự nghiệp; tuyển chọn lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp; tổ chức tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra khối cá thể, tôn giáo ở cấp huyện; tiếp nhận các loại tài liệu, phiếu điều tra và vật tư khác phục vụ cho Tổng điều tra khối cá thể, tôn giáo. Tháng 7/2016: Toàn tỉnh tổ chức ra quân thu thập thông tin và ghi phiếu tại địa bàn điều tra khối cá thể, tôn giáo; tiếp tục công tác tuyên truyền cho cuộc Tổng điều tra đợt 2 (cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2017); giám sát viên các cấp tiến hành giám sát tại địa bàn điều tra trong suốt quá trình diễn ra điều tra. Tháng 8,9,10-2017: Nghiệm thu các loại phiếu điều tra các cấp; Bàn giao phiếu điều tra cho Ban chỉ đạo Trung ương; nhập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp nhanh kết quả Tổng điều tra; hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí Tổng điều tra. Tháng 12/2017 kết thúc Tổng điều tra, tiến hành tổng kết, khen thưởng.
P.V: Trong các cuộc điều tra thống kê nói chung, lực lượng tham gia ở cơ sở là rất quan trọng, đồng chí có thể chia sẻ với các đối tượng điều tra và người thực hiện điều tra?
Đ/c Đinh Thế Thập: Trong các cuộc điều tra thống kê nói chung và cuộc Tổng điều tra lần này nói riêng thì kết quả cuộc điều tra có đầy đủ hay không? có chính xác hay không? phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có hai yếu tố chính ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều tra đó là do trình độ, năng lực của điều tra viên (người trực tiếp thu thập thông tin) và trách nhiệm của người cung cấp thông tin (đơn vị điều tra). Nếu điều tra viên mà không có trình độ, năng lực, hiểu biết thì sẽ rất khó trong việc đặt câu hỏi để thu thập được thông tin, không giải thích được nội dung các chỉ tiêu trong phiếu cho người cung cấp thông tin hiểu để trả lời đúng theo nội dung của cuộc điều tra yêu cầu thì dẫn đến kết quả không đạt yêu cầu. Nếu người cung cấp thông tin mà không hợp tác với điều tra viên hoặc khai thông tin không đúng sự thật thì cũng dẫn đến số liệu bị sai lệch. Do đó, yêu cầu đặt ra là điều tra viên phải là những người có sức khỏe, có thời gian đủ để tham gia tổng điều tra, có trình độ đủ để tiếp thu và thực hiện tốt các quy định trong quy trình thu thập thông tin của điều tra viên và kiểm tra của tổ trưởng; có kinh nghiệm và hiểu biết về kinh tế ở địa phương; nhiệt tình và có trách nhiệm đối với công việc được phân công; phải tham gia đầy đủ thời gian tập huấn, nghiên cứu nắm chắc nghiệp vụ điều tra để thực hiện thống nhất trong cả nước. Còn đối với người cung cấp thông tin (các cơ quan, tổ chức, hộ) cần hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra để tích cực ủng hộ và thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho điều tra viên.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc