Gia đình anh Đinh Văn Tá, ở thôn Nga 2 là hộ mới rơi vào diện nghèo sau khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều. Vợ chồng anh có hai người con, ngoài ra còn chăm lo cho mẹ và em trai tật nguyền, đồng thời lo cho hai người em trai khác đang học đại học, bởi vậy mà hoàn cảnh rất khó khăn. "Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn nỗ lực để lo cho gia đình với mức sống ở ngưỡng trung bình. Song theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều được áp dụng cuối năm 2015 thì mức thu nhập và các tiêu chuẩn tiếp cận các dịch vụ xã hội khác của gia đình tôi không đạt, vì vậy mà gia đình tôi "rơi" xuống tốp nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để có thể thoát nghèo trong thời gian sớm nhất. Để thực hiện được, tôi rất mong được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để mua bò về chăn thả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình"- anh Tá cho biết. Cùng với nghị lực của những hộ nghèo, xã Cúc Phương cũng chủ động xây dựng lộ trình để giảm nghèo bền vững. Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết, mặc dù theo chuẩn nghèo đa chiều, công tác giảm nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn, song với việc nâng mức chuẩn nghèo sẽ là cơ hội để cuộc sống người dân được đảm bảo hơn, vì vậy, cần phải làm từng bước thật vững chắc. Theo đó, để nắm bắt được nguyên nhân, nguyện vọng của người nghèo để có hướng thoát nghèo hiệu quả, chúng tôi tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, nhờ đó mà tìm được sự đồng lòng chung sức của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Theo khảo sát, nguyên nhân nghèo chủ yếu là do các yếu tố chưa đạt như: thu nhập, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Trước thực tế đó, địa phương bắt tay vào việc hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiếu hụt. Đơn cử như vấn đề tiếp cận thông tin. Hiện tại, xã đang triển khai xây dựng mỗi thôn một điểm để truy cập internet. Các điểm truy cập internet được đặt tại các Nhà văn hóa thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân truy cập thông tin. "Cũng từ việc dễ dàng tiếp cận với các kênh thông tin qua mạng Internet, người dân dễ dàng tìm hiểu, thu thập những thông tin hữu ích cho công việc nhà nông như trồng con gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao. Cách phòng, chống bệnh cho con nuôi… đây cũng là một cách làm hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức để phát triển kinh tế cho người dân, góp phần đắc lực cho công tác giảm nghèo"- ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã khẳng định.
Đối với tiêu chí nước sạch và môi trường, xã đã tiến hành khảo sát những thôn, những hộ dân được sử dụng nước sạch và xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo kết quả khảo sát, toàn xã mới chỉ có 4/10 thôn có công trình nước sạch và chưa đầy 60% dân số có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bằng việc huy động các nguồn vốn, sắp tới có thêm hai thôn là Đồng Tâm và Đồng Quân được sử dụng nước sinh hoạt. Do nhận thức, thói quen sinh hoạt cũ nên nhiều hộ gia đình vẫn chưa chú trọng đến việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Bởi vậy, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân. Cùng với đó, xã tạo điều kiện để các người dân được tiếp cận nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường để cải thiện hệ thống nhà tiêu. Từ đầu năm tới nay, toàn xã có trên 30 hộ vay vốn để xây công trình vệ sinh, qua giám sát, các hộ đều sử dụng đúng mục đích.
Đặc biệt, để nâng cao mức thu nhập cho bà con, xã Cúc Phương đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và hết sức quan tâm chỉ đạo các Hội, các đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân. Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của xã được kiện toàn và do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các thành viên trong ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc kiểm tra, giám sát và có nhiều kiến nghị, đề xuất giúp các thôn trong xã thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú như tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo, những mục tiêu, giải pháp của địa phương; những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.
Với đặc thù là vùng trồng lúa không thuận lợi nên Đảng ủy, UBND xã tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó tiếp tục xác định cây mía là cây trồng chủ lực giúp bà con giảm nghèo. Hiện nay, diện tích trồng mía ở địa phương đã mở rộng lên 180 ha. Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Việt- Đài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định. Trung bình, 1 ha mía sẽ mang lại cho người nông dân khoảng 60 triệu đồng. Nếu so sánh với trồng lúa thì cây mía đạt hiệu quả gấp đôi. Ngoài ra, lá mía còn được bà con tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi. Cùng với đó, xã Cúc Phương khuyến khích nông dân mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, đồng thời mạnh dạn đưa về các con nuôi có giá trị kinh tế cao.
Ông Đinh Văn Xuân cho biết thêm, những con nuôi như trâu, bò, hươu, nhím, ong, dê… có giá trị kinh tế cao mà lại không tốn nhiều chi phí cho thức ăn, rất phù hợp với địa phương. Từ vài hộ nuôi thí điểm, đến nay ở Cúc Phương có nhiều hộ xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nuôi hươu ít bệnh, lại vừa có thể bán nhung và bán cả thịt nên rất nhiều hộ chọn nuôi hươu. Hiện, toàn xã có trên 500 con hươu. Nhung hươu ở Cúc Phương được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng cao, giá nhung có thời điểm đạt từ 2-2,5 triệu đồng/lạng. Hiện, toàn xã có gần 150 hộ lập gia trại, nhiều gia trại thu lợi nhuận cao, mỗi năm đạt 600-700 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, những hộ nuôi còn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi cho những hộ mới nuôi. Ngoài ra, còn sẵn sàng hỗ trợ giống, vốn giúp nhau cùng phát triển kinh tế… Với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân Cúc Phương, tin rằng, trong giai đoạn mới (2016-2020), đời sống nhân dân xã Cúc Phương sẽ ngày càng ổn định và phát triển.
Đào Hằng