Khảo sát nhu cầu người chưa có tay nghề, xây dựng
kế hoạch đào tạo nghề phù hợp
UBND thành phố Tam Điệp đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trường hợp hoạt động không đảm bảo chức năng, nhiệm vụ đề ra thì xem xét việc giải thể.
Vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Tam Điệp được thành lập tại Quyết định số 1086/QĐ-UBND ngày 21/8/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình. Từ năm 2018 đến năm 2020, Trung tâm đã mở 11 lớp đào tạo nghề tại các phường, xã cho 360 lao động nông thôn, bao gồm dạy nghề nông nghiệp và dạy nghề phi nông nghiệp; đã có 307 người có việc làm. Năm 2020, không tổ chức được lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên người lao động không có nhu cầu học nghề.
Sau khi học nghề, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chuyển đổi nghề hoặc có việc làm tại địa phương; số người có thu nhập khá tăng, nhiều hộ đã vận dụng kiến thức học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không có việc làm giảm xuống còn 0,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,5%. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, UBND thành phố giao Phòng Kinh tế, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các phường, xã phối hợp chặt chẽ với Trung Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tích cực khảo sát nhu cầu số lượng người chưa có tay nghề cần đào tạo trên địa bàn để xây dựng Kế hoạch từng giai đoạn, từng năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mở rộng mặt cắt tuyến kênh thoát nước thải khu công nghiệp
Cử tri huyện Yên Khánh đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 28/9/2020 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án xử lý đột xuất xây dựng kè, đậy nắp kênh thoát nước thải khu công nghiệp qua khu dân cư đoạn ngòi Chanh chống ô nhiễm môi trường và kết hợp làm đường giao thông, cải thiện đời sống nhân dân Khu công nghiệp Khánh Phú.
Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Nhằm tăng cường khả năng thoát nước của Khu công nghiệp Khánh Phú, chống ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống nhân dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 28/9/2020.
Trong quá trình triển khai bước thiết kế cơ sở, UBND huyện Yên Khánh thấy rằng giải pháp kỹ thuật của dự án chưa phù hợp, chưa giải quyết dứt điểm để đảm bảo tiêu, thoát nước cho Khu công nghiệp Khánh Phú, chống ô nhiễm môi trường cho khu vực; do vậy đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại dự án đầu tư trên.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra cụ thể, xây dựng phương án điều chỉnh lại giải pháp thiết kế, không đậy nắp mà mở rộng mặt cắt tuyến kênh để đáp ứng tốt hơn việc tiêu thoát nước, tăng cường lưu thông nước để không ảnh hưởng đến môi trường, kè gia cố và nâng cấp bờ kênh thành đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Lắp đặt hệ thống đèn cảnh báo ở xã Yên Phong
Cử tri huyện Yên Mô đề nghị lắp đặt hệ thống đèn cảnh báo nguy hiểm tại ngã ba từ UBND xã Yên Phong đi xã Yên Từ.
Về kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện trạng khu vực ngã ba UBND xã Yên Phong có tầm nhìn bị hạn chế, đôi khi bị ách tắc giao thông do đường còn hẹp, mật độ giao thông khá cao. Năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai thực hiện dự án bảo trì trên tuyến Quốc lộ 21B, tại vị trí nút giao này đã bố trí vạch sơn kẻ đường, các cụm gờ giảm tốc để nâng cao an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại nút giao. Việc lắp thêm hệ thống đèn cảnh báo là cần thiết, nhưng gặp khó khăn trong việc bố trí vị trí đặt các chân cột đèn cảnh báo.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, để xuất phương án cụ thể.
Phòng CT- BĐ