Hạ thấp cầu chợ Khánh Thành
Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Cầu chợ Khánh Thành sang xã Khánh Thủy như cử tri nêu trùng với vị trí xây dựng cống thoát nước C35+26m thuộc dự án nạo vét, tu bổ khẩn cấp tuyến kênh trục chính Tiên Hoàng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 9/12/2009. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn Trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Tuy nhiên, từ năm 2013 Trung ương không bố trí vốn cho dự án, nên một số hạng mục chưa được thi công, trong đó có hạng mục cống thoát nước C35+26.
Trước tình hình một số hạng mục của dự án đã hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và gây khó khăn trong phục vụ tưới, tiêu, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương điều chỉnh, bổ sung dự án, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng một số hạng mục cần thiết và cấp bách, trong đó có hạng mục cống thông nước C35+26m (cầu chợ Khánh Thành) được điều chỉnh thiết kế, hạ thấp cao độ thiết kế để đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế triển khai thực hiện theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở sản xuất của 3 doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư
Cử tri thành phố Ninh Bình đề nghị đẩy nhanh tiến độ di dời trạm trộn bê tông của hai Doanh nghiệp Xuân Trường, Xuân Thành và Công ty TNHH giấy Tiến Dũng ra khỏi khu dân cư.
Về việc này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tại Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 16/4/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực cơ sở sản xuất của 3 doanh nghiệp trên tại phía Đông đường Lê Thái Tổ, thành phố Ninh Bình.
UBND tỉnh đã bố trí địa điểm di chuyển cơ sở sản xuất của 3 doanh nghiệp trên tại Văn bản số 510/UBND-VP4 ngày 18/8/2016, Văn bản số 670/UBND-VP4 ngày 21/9/2018 và Văn bản số 10/UBND-VP4 ngày 6/1/2017, trong đó: Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường di chuyển cơ sở sản xuất về khu vực xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn. Công ty TNHH Giấy Tiến Dũng di chuyển cơ sở sản xuất về Cụm công nghiệp Mai Sơn, huyện Yên Mô.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các khu đất đã bố trí địa điểm để di chuyển chưa có hạ tầng. Các doanh nghiệp đề nghị bố trí địa điểm khác. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, ổn định sản xuất sau khi di chuyển cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND thành phố Ninh Bình, các ngành chức năng và các đơn vị có liên quan làm việc với các doanh nghiệp để tiếp tục rà soát, lựa chọn một số địa điểm khác phù hợp hơn; đồng thời yêu cầu UBND thành phố Ninh Bình tập trung xây dựng phương án giải phóng mặt bằng các khu đất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để thực hiện quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Nước thải trong khu công nghiệp phải được xử lý cấp độ A mới được xả ra môi trường
Cử tri thành phố Tam Điệp đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng Khu công nghiệp Tam Điệp theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, trước hết ưu tiên đầu tư hệ thống nước thải và thoát nước.
Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hạ tầng Khu công nghiệp Tam Điệp I được đầu tư xây dựng theo quy hoạch bằng vốn ngân sách, trong đó: Đã triển khai xây dựng đường giao thông, rãnh thoát nước mưa, hệ thống chiếu sáng đường giao thông. Còn lại hạng mục vỉa hè của các đường nối từ đường Chi Lăng đến đường Quang Sơn và tuyến đường phía đông Nhà máy giày Adora từ nút giao D33 theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020.
Đối với việc xử lý nước thải: Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh đã được cấp phép đầu tư trong Khu công nghiệp Tam Điệp I đều có hệ thống xử lý nước thải đạt cấp độ A theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước. Hiện nay các dự án đi vào hoạt động đã xây dựng hệ thống nước thải, lập hồ sơ xin cấp phép xả thải và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện đúng các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trong đó toàn bộ nước thải phải được xử lý cấp độ A mới được xả ra môi trường.
Linh hoạt trong vận hành âu sông Chanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Cử tri huyện Hoa Lư có ý kiến đề nghị định kỳ mở âu sông Chanh để giảm ô nhiễm nguồn nước.
Về vấn đề trên, UBND tỉnh trả lời như sau: Âu sông Chanh nằm trên đê Hữu sông Hoàng Long thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư có nhiệm vụ chính là cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngăn lũ từ sông Hoàng Long đổ vào sông Chanh.
Theo quy định, vào mùa mưa lũ, khi sông Hoàng Long có lũ thì âu sông Chanh phải đóng kín và chỉ mở âu để thoát nước (khi sông Hoàng Long không có lũ) hoặc có nhu cầu lấy nước tưới. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của công trình về mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau), Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện mở âu liên tục để cấp nước vào sông Chanh phục vụ sản xuất nông nghiệp và góp phần đẩy mặn trên hệ thống sông Vạc.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình, có biện pháp linh hoạt trong việc vận hành, mở âu để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống lũ, vừa phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Chanh.
P.B.Đ