Triển khai các giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP
Cử tri thành phố Tam Điệp đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng hỗ trợ nguồn vốn vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, vì hiện nay, nguồn vốn vay hạn chế nên nhiều đối tượng theo quy định rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội.
Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (Ngân hàng CSXH, Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank) đang tổ chức thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Năm 2019, tổng nguồn vốn chi nhánh Ngân hàng CSXH được Trung ương phân bổ để thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 10 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2019, trên địa bàn tỉnh có 18 khách hàng (hộ gia đình) đủ điều kiện vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng CSXH để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở (không có khách hàng mua, thuê nhà ở xã hội) với tổng số tiền là 4.710 triệu đồng, còn 5,290 triệu đồng chưa giải ngân (do chưa có khách hàng đủ điều kiện hoặc không thuộc danh sách cấp thẩm quyền phê duyệt).
Trên địa bàn thành phố Tam Điệp hiện nay nguồn vốn còn dư 2.165 triệu đồng (tính đến 15/10/2019) chưa được giải ngân do Phòng giao dịch Ngân hành CSXH thành phố Tam Điệp chưa nhận được danh sách đề nghị vay vốn có phê duyệt của UBND cấp xã để thẩm định và giải ngân. Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp để thúc đẩy công tác triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó có địa bàn thành phố Tam Điệp.
Không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất 313 sang đất ở
Cử tri huyện Hoa Lư có ý kiến đề nghị cho các hộ dân thôn Chi Phong, xã Trường Yên được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất 313 sang đất ở) để phát triển nhà ở và phục vụ cho việc kinh doanh dịch vụ du lịch.
Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Qua khảo sát và căn cứ vào các quy định hiện nay, khu vực thôn Chi Phong, xã Trường Yên có một phần diện tích nằm trong khu vực lõi Quần thể danh thắng Tràng An; mặt khác thôn Chi Phong thuộc vùng đất quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, không quy hoạch khu dân cư.
Do đó, không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất 313 sang đất ở để phát triển nhà ở và phục vụ kinh doanh lưu trú.
Không còn thu thuế sử dụng đất
nông nghiệp do thực hiện miễn
giảm theo quy định
Cử tri thành phố Ninh Bình đề nghị hiện giá thuốc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp là 6.500 đồng/1kg, mức giá trên là cao so với giá thị trường (giá thị trường khoảng 5.000-6.000đồng/1kg thóc). Cử tri đề nghị tỉnh có sự điều chỉnh cho phù hợp và khi xây dựng giá thu thóc thuế hàng năm cần sát với thị trường để nông dân bớt khó khăn.
Về việc này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tại thời điểm ban hành giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 2019, cơ quan tham mưu (Cục Thuế tỉnh) đã tham khảo giá thóc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tháng 3, 4, 5 năm 2019, đồng thời tham khảo giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp các tỉnh liền kề Hà Nam, Nam Định dự kiến trình 6.500đồng/1kg, tỉnh Thanh Hóa quyết định vùng đồng bằng 6.300đồng/1kg, miền núi 5.600đồng/1kg. Như thế, mức giá tỉnh Ninh Bình tương đương với các địa phương liền kề và sát với giá thị trường tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn khoản thu thuế sử dụng đất nông nghiệp do thực hiện miễn giảm theo quy định.
P.B.Đ