* Nhiều cử tri có ý kiến những năm gần đây, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của tỉnh còn lớn và chưa giảm nhưng đến nay chưa được giải quyết theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Về ý kiến trên của cử tri, UBND tỉnh trả lời như sau: Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tổng hợp, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh đến thời điểm 31/12/2014 và phương án, lộ trình thanh toán nợ XDCB tại Báo cáo số 485/UBND-VP4 ngày 27/7/2015.
Đến nay, nợ XDCB trên địa bàn tỉnh đã giảm so với thời điểm 31/12/2014. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, trong phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đã đảm bảo thanh toán 100% nợ xây dựng cơ bản của các công trình, dự án thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, trong kế hoạch năm 2016, dự kiến kế hoạch năm 2017 đã tập trung vốn cao để thanh toán nợ XDCB (khoảng 70% tổng nguồn vốn cân đối).
Riêng một số dự án có mức nợ XDCB lớn, trong kế hoạch năm 2017 và các năm tiếp theo không đảm bảo cân đối thì tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo cơ chế đặc thù, tạo nguồn kinh phí thực hiện các Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo thanh toán nợ XDCB.
* Cử tri thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng mức vốn vay, tăng thời hạn cho vay ưu đãi với hộ nghèo để các hộ nghèo yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Về vấn đề này, UBND tỉnh giải trình như sau: Từ khi có chương trình cho vay hộ nghèo (năm 2002), mức cho vay đã được Chính phủ điều chỉnh tăng lên nhiều lần; từ ngày 1/5/2014 đến nay, mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ.
Thời gian vay và gia hạn nợ tối đa là 90 tháng (gồm: thời hạn vay là 5 năm và gia hạn 2,5 năm), căn cứ vào mục đích vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ, các nguyên nhân đủ điều kiện gia hạn nợ.
Tính đến nay, dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 24 triệu đồng/hộ, tăng 16,2 triệu đồng/hộ so với năm 2010. Các hộ chỉ có nhu cầu vay đủ nguồn vốn cho phương án sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, không nhiều hộ có nhu cầu vay ở mức tối đa.
Vì vậy còn dư nguồn vốn vay; hiện nay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phải thực hiện điều chuyển sang cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để nguồn vốn không bị tồn đọng và tạo điều kiện cho các hộ giảm nghèo bền vững.
P.B.Đ