Cử tri thành phố Tam Điệp có ý kiến đề nghị các cấp, các ngành kiểm tra quy trình khai thác đá của các doanh nghiệp trên địa bàn thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, làm ảnh hưởng đến sản xuất và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn nhà cửa, tính mạng của nhân dân.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND thành phố Tam Điệp, xã Quang Sơn kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra (Sở Công thương là đơn vị chủ trì) đã ban hành văn bản số 1171/SCT-KTAT-MT ngày 29-9-2015 yêu cầu các đơn vị hoạt động nổ mìn gồm: Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng - Chi nhánh sản xuất vật liệu xây dựng số 3 là đơn vị hiện đang thực hiện nổ mìn khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp và Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật và quy định của pháp luật về hoạt động nổ mìn. Cụ thể chỉ nổ mìn tại những khu vực được cấp phép và có đủ hành lang an toàn theo quy định trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tính toán lập hộ chiếu, thi công bãi mìn đảm bảo các bước, các nội dung như: số lượng lỗ mìn, kích thước lỗ khoan, đường cản chân tầng, lượng thuốc nổ, phương pháp khởi nổ, hiệu lệnh nổ mìn, vùng nguy hiểm, tổ chức gác mìn... theo đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân và hoạt động sản xuất hoa lợi của nhân dân thôn Hang Nước.
* Có giải pháp chống xuống cấp di tích đình Lá
Cử tri xã Yên Quang (Nho Quan) có ý kiến đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để tu sửa di tích lịch sử đình Lá- đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngày 2-10-2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 530/UBND tỉnh về việc phân kỳ thực hiện dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đình Lá, xã Yên Quang; tuy nhiên đến nay không triển khai được do chưa bố trí được vốn.
Trước mắt, để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cũng như đáp ứng nguyện vọng của cử tri, địa phương cần kêu gọi và huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác để kịp thời gia cố, chống xuống cấp của di tích đình Lá.
* Về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn
Cử tri một số xã của huyện Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn kiến nghị: Hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn tuy đã được bàn giao cho ngành điện quản lý, khai thác nhưng chậm được đầu tư, nâng cấp, cải tạo; chất lượng hệ thống đường điện, cột điện, máy biến áp công suất nhỏ, đã xuống cấp, có khu vực điện áp xuống dưới 100v. Đặc biệt là một số vị trí mất an toàn, nên đã xảy ra chết người.
Vấn đề cử tri nêu Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tiếp thu, khảo sát và trả lời như sau: Về lưới điện hạ áp nông thôn, đến nay, Công ty đã tiếp nhận 125/125 xã trong tỉnh.
Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã kiểm tra toàn bộ công tơ, cải tạo tối thiểu hệ thống nguồn và lưới điện để đảm bảo an toàn, ổn định trong vận hành và từng bước tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện đầu tư, nâng cấp. Năm 2010-2011, với số vốn DPL1, Công ty cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn ở 52 xã tổng giá trị 198 tỷ đồng.
Năm 2013-2014 với vốn DEP, Công ty cải tạo lưới điện nông thôn ở 15 xã với tổng giá trị 71 tỷ đồng. Hiện nay, còn một số xã đã bàn giao cho ngành điện có lưới điện chắp vá, đầu tư xây dựng từ lâu, xuống cấp như cử tri phản ánh.
Đối với các xã này, Công ty đã đưa vào Dự án giảm cường độ phát tải trong cung cấp năng lượng KEW2 với quy mô: Xây dựng mới và cải tạo 30,9km đường dây trung thế, 352km đường dây hạ thế, 35 trạm biến áp phân phối trên địa bàn huyện Yên Khánh 4 xã, Nho Quan 7 xã, Yên Mô 4 xã, Hoa Lư 1 xã, Kim Sơn 8 xã, tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Dự án đã được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt và triển khai công tác đấu thầu thi công vào tháng 12-2015 và hoàn thành vào quý 2 năm 2016.
Về nâng cấp các trạm biến áp, năm 2015 Công ty đã và đang triển khai Dự án nâng cấp lưới điện trung áp khu vực thành phố Ninh Bình, Tam Điệp, các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô, với tổng mức đầu tư 433 tỷ đồng; từ nguồn vốn hỗ trợ chính sách cải cách ngành điện DPL3 vay Ngân hàng Thế giới để nâng cấp 507 trạm biến áp, xây mới và cải tạo 360km đường dây.
Các Dự án đến nay đã hoàn thành nâng cấp 307 trạm biến áp, xây dựng mới và cải tạo xong 168 km đường dây trung áp, khối lượng thi công còn lại dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2016.
Ngoài ra, để đảm bảo hệ thống lưới điện tại các xã nông thôn đảm bảo năng lực vận hành, ổn định, năm 2015 Công ty đã thực hiện đầu tư cải tạo, hoàn thành 37 hạng mục sửa chữa lớn lưới điện nông thôn với tổng mức đầu tư 23,3 tỷ đồng. Đầu tư và cải tạo chống quá tải lưới điện nông thôn bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản với tổng giá trị 30 tỷ đồng, trong đó có 28 trạm biến áp được xây mới.
Về chất lượng điệp áp, qua theo dõi để đảm bảo yêu cầu vận hành, Công ty Điện lực Ninh Bình nhận thấy vẫn còn một số khu vực lưới điện hạ thế có mức điện áp dưới mức cho phép; một số cụm dân cư thuộc các xã Yên Thắng (Yên Mô), Phú Sơn (Nho Quan) do tuyến đường dây hạ thế cấp điện cho các hộ có tiết diện nhỏ, khi có sự phát triển của phụ tải nên mức điện áp thấp hơn quy định. Công ty đã cho cải tạo lưới điện 0,4 khu vực nên chất lượng điện áp đã đảm bảo yêu cầu.
Như vậy, ý kiến cử tri nêu liên quan đến khu vực huyện Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn về đầu tư, nâng cấp, cải tạo chất lượng hệ thống đường dây, cột điện, máy biến áp công suất nhỏ đã xuống cấp sẽ được giải quyết cơ bản vào quý II năm 2016.
P.B.Đ