Những người tham gia cuộc trưng cầu ý dân sẽ trả lời 2 câu hỏi: 1. Bạn có tán thành việc Crimea sáp nhập vào Nga với tư cách là một chủ thể của Nga hay không? 2. Bạn có ủng hộ việc khôi phục Hiến pháp năm 1992 và duy trì quy chế Crimea trong thành phần Ukraine hay không?
Trước đó, tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là "hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".
Sau khi thị sát quá trình chuẩn bị cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea, các đại biểu Nghị viện châu Âu và các quan sát viên quốc tế nêu rõ họ không phát hiện những sai phạm nào tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea. Phái đoàn quan sát quốc tế "Viện châu Âu về giám sát dân chủ và bầu cử" gồm 30 thành viên của một loạt nước châu Âu cũng khẳng định rằng sự chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là phù hợp với luật pháp nước Cộng hòa tự trị này và các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, ngày 15/3, gần 45 nghìn người tại các địa phương của Nga đã tham gia cuộc mít tinh bày tỏ sự ủng hộ đối với Crimea. Các cuộc mít tinh đã diễn ra tại thủ đô Moskva, các thành phố và tỉnh Kaliningrad, Treboksarakh, Tambov va Tula. Cùng ngày Phó thủ tướng Crimea Olga Kotivili (On-ga Cô-ti-vi-li) đã đề nghị các nước Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân.
Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân 1 ngày, Hội đồng bảo an LHQ đã họp để biểu quyết bản dự thảo nghị quyết của Mỹ về tình hình Ukraine. Tại cuộc họp, bản dự thảo nghị quyết đã được 13 nước thành viên trong Hội đồng bảo an ủng hộ, riêng Nga phủ quyết dự thảo, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin (Vi-ta-li Tru-rơ-kin) nêu rõ: Nga không thể ủng hộ bản dự thảo này vì nó đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc được quy định trong Điều 1 của Hiến chương LHQ. Nga không thể nhất trí với nội dung cơ bản của bản dự thảo này- đó là tuyên bố rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea ngày 16/3, trong đó, người dân Crimea tự quyết định tương lai của mình, là không có giá trị pháp lý. Ông Churkin khẳng định việc Crimea tồn tại trong thành phần Ukraine là không thể do khoảng trống pháp lý đã hình thành trong cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev mới đây.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp Hội đồng bảo an LHQ, đại diện thường trực của Anh và Pháp tại LHQ đều lên tiếng phản đối Nga, cho rằng việc Nga quyết định bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Hội đồng bản an LHQ phản đối cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea "sẽ dẫn đến việc cô lập Moskva trong Hội đồng bảo an cũng như trong cộng đồng quốc tế". Đại diện thường trực của Anh tại LHQ Mark Lyall Grant cho biết "những người ủng hộ chính quyền Ukraine trong Hội đồng bảo an LHQ sẽ đưa ra những dự thảo nghị quyết mới về tình hình Ukraine nếu Nga không dừng các hành động của mình tại Crimea". Ông cũng khẳng định rằng vào tuần tới, Đại hội đồng LHQ có thể họp để thảo luận về tình hình Ukraine.
Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Ukraine tại LHQ Yuri Sergeiev (Y-u-ri Xéc-gây-ép) cho biết ông đang thảo luận với các nhóm khu vực và không loại trừ khả năng sẽ đưa vấn đề Nga can thiệp vào Ukraine ra thảo luận tại Đại hội đồng LHQ. Ông Yuri Sergeiev đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm có các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành động của Nga.
Mặc dù đứng ở vị trí trung lập trong phiên họp khẩn cấp của HĐBA LHQ, song Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất gồm 3 điểm nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề then chốt trong việc giải quyết khủng hoảng hiện nay tại Ukraine là xử lý các bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) đã tuyên bố 3 điểm mà Trung Quốc đề xuất bao gồm, một là sớm thiết lập một cơ chế phối hợp quốc tế bao gồm tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine; hai là tất cả các bên cần tránh bất kỳ hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng; ba là các thể chế tài chính quốc tế nên xem xét cách thức giúp Ukraine duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính. Đại sứ Trung Quốc cũng đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia.
Cùng ngày, Phó đô đốc Mỹ John Kirbi cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Pháp đã điện đàm thỏa thuận phối hợp với nhau trong việc xem xét lại các chương trình hợp tác quân sự với Nga do tình hình xung quanh Ukraine.
Theo TTXVN