Từ năm 2004 đến năm 2010, Công ty thực hiện tiếp nhận nguyên trạng hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, ghi tăng vốn cho công ty mà không phải hoàn trả vốn cho các tổ chức, cá nhân quản lý điện tại các địa phương (theo Quyết định 2651/QĐ-UB ngày 28-10-2003 của UBND tỉnh).
Theo đó, đã có 134 đơn vị bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty với 1.320,45 km đường dây hạ thế và 152.932 hộ sử dụng điện; tổng giá trị bàn giao không hoàn trả là 13,582 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BCT-BTC ngày 3-2-2010 và Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT/BCT-BTC ngày 4-12-2013 về hướng dẫn bàn giao hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đã xây dựng bộ đơn giá làm cơ sở tính toán, thống nhất giá trị còn lại của hệ thống lưới điện nông thôn cho tổ chức, cá nhân, đơn vị bàn giao và đã có thêm 57 đơn vị bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý với 430,8 km đường dây hạ thế, 62.169 hộ sử dụng điện; tổng giá trị bàn giao là gần 20,1 tỷ đồng với giá trị hoàn trả cho các tổ chức quản lý lưới điện nông thôn là 19,2 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay đã có 191 đơn vị, tổ chức bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý với 215.101 hộ dùng điện. Ngành Điện đã tiếp nhận 713 trạm biến áp, tổng dung lượng 124.600 kVA; 1.751,27 km đường dây hạ thế với tổng giá trị nhận bàn giao là 33.689,54 tỷ đồng; tổng giá trị phải hoàn trả là 19,2 tỷ đồng.
Hiện tại vẫn còn 2 đơn vị là HTX Điện lực Kim Tân (Kim Sơn) và HTX Điện lực Gia Trấn (Gia Viễn) chưa bàn giao, song toàn tỉnh cũng đã có 99% số xã hoàn thành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn và ngành Điện cũng đã thực hiện bán điện trực tiếp tới 99% số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Ngô Nam Phòng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình: Hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn mà Công ty đã tiếp nhận đều trong tình trạng xuống cấp do không được sửa chữa, thay thế, duy tu bảo dưỡng thường xuyên; điện áp cuối nguồn thấp không đủ phục vụ sinh hoạt tối thiểu cho người dân; nguy cơ tình trạng mất an toàn điện là rất cao, nhất là vào thời kỳ mưa bão; tổn thất điện năng cao...
Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống lưới điện; đánh giá tổng thể tình trạng an toàn, chất lượng điện áp trong khu vực và bố trí nhân lực, vật lực, nguồn vốn đầu tư tối thiểu ở những lĩnh vực cần thiết trước, như: Thay thế cụm công tơ; sửa chữa đường dây, cột điện đảm bảo yêu cầu tối thiểu về an toàn; bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và đầu tư dần từng bước nhằm nâng cao chất lượng điện phục vụ dân sinh.
Bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Công ty đang từng bước đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp đường dây hạ thế nông thôn trong toàn tỉnh. Năm 2010, Công ty đã đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống lưới điện nông thôn tại 54 xã.
Từ năm 2010 đến 2015, Công ty đã xây mới được 185 trạm biến áp phân phối với dung lượng 72,380 MVA; xây mới và cải tạo, nâng cấp 2.582 km đường dây trung thế, 2106 km đường dây hạ thế trên địa bàn toàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư là 767,5 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng điện phục vụ nhân dân.
Nói về lợi ích và hiệu quả của thời kỳ hậu tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, ông Giám đốc Công ty cũng cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 936 trạm biến áp bán lẻ điện sinh hoạt cho 125 xã, phường, thị trấn.
Năm 2015, sản lượng điện thương phẩm là 347,905 triệu kWh, tăng 195% so với năm 2010 và nhiều xã có mức tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm hơn 200%...
Điều đó cũng cho thấy Công ty đã nỗ lực, cố gắng đầu tư tương đối đồng bộ lưới điện, hệ thống đường dây, trạm biến áp nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản và ngày càng tăng về điện ở khu vực nông thôn. Đây là điểm nổi trội mà nếu để ở mô hình quản lý điện nông thôn cũ sẽ không thể có được.
Trước khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, thì tổn thất điện năng ở các trạm biến áp đa số đều lên tới 20%, cá biệt có trạm tới trên 30%; nhưng hiện nay chỉ còn từ 7-11%.
Về giá bán điện, tùy theo mục đích sử dụng mà các hộ đều được mua theo đúng giá của Chính phủ quy định với chất lượng thiết bị đo đếm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (Công ty đang dần thay thế công tơ đo đếm điện cũ bằng công tơ điện tử).
Công tác an toàn điện được chú trọng, quan tâm với việc từng bước đầu tư, nâng cấp, sửa chữa lưới điện, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngành Điện đã bố trí các đội trực theo cụm (2-3 xã do một đội quản lý) phục vụ sửa chữa điện cho khách hàng khi có yêu cầu. Công ty cũng đã cung cấp cho tất cả các khách hàng những loại hình dịch vụ tiện ích, như: Lắp mới công tơ, sửa chữa điện trong thời gian ngắn nhất; thông báo về giá điện, tiền điện vào điện thoại di động; ghi chỉ số công tơ bằng điện thoại màn hình cảm ứng nhờ công tơ điện tử; thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử.
Đinh Chúc