Với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, công trình xây dựng Nhà máy điện Ninh Bình được thiết kế với 4 tổ lò, máy với tổng công suất 100MW được khởi công vào ngày 15-3-1971 tại thị xã Ninh Bình. Đến năm 1972, việc thi công xây dựng bị gián đoạn do cuộc không kích phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, các thiết bị phải sơ tán đi các nơi. Sau Hiệp định Pari năm 1973, công trường xây dựng nhà máy được lệnh tiếp tục thi công với nhiều khó khăn, đây cũng là công trình được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thi công khẩn trương. Do đó, lãnh đạo nhà máy cùng với đội ngũ CBCNV được huy động làm 3 ca liên tục không kể ngày đêm, không quản khó khăn, gian khổ và chỉ sau 1 năm, công trình đã đạt tiến độ đề ra. Ngày 17-1-1974, Bộ trưởng Bộ Điện và Than- Nguyễn Hữu Mai đã ký quyết định thành lập Nhà máy Điện Ninh Bình. Chỉ sau đó 4 tháng, ngày 19-5-1974 đúng vào ngày sinh lần thứ 84 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh thay mặt Chính phủ đã về chứng kiến và cắt băng khánh thành đưa tổ lò máy số 1 vào vận hành, phát dòng điện đầu tiên hòa vào mạng lưới điện miền Bắc trước sự vui mừng, hân hoan của hàng nghìn CBCNV trên công trường và quân, dân Ninh Bình.
Với khí thế thi đua sôi nổi, hòa chung với chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đơn vị thi công trên công trường xây dựng Nhà máy Điện Ninh Bình cũng lần lượt đưa các tổ lò, máy số 2, số 3 vào vận hành. Ngày 8-3-1976, tổ lò, máy số 4 (tổ lò máy cuối cùng của nhà máy) được hoàn thành và đưa vào vận hành đủ sản lượng sản xuất 100MW. Từ đây, lưới điện miền Bắc hàng năm có thêm sản lượng điện từ 550 đến 600 triệu kWh của Nhà máy Điện Ninh Bình. Trong thời kỳ những năm 70, 80 của thế kỷ 20, Nhà máy Điện Ninh Bình là một trong 3 nguồn phát chủ yếu của lưới điện miền Bắc phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trải qua một thời gian dài phục vụ sự phát triển của nền kinh tế đất nước gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động đã không ngừng thi đua lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, bám lò, bám máy sản xuất ra những dòng điện để xây dựng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, do đặc thù được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh, sau nhiều năm hoạt động liên tục lại chưa có điều kiện đầu tư sửa chữa đúng mức nên Nhà máy gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành và quản lý, dẫn đến không đạt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hiệu suất của nhà máy xuống thấp. Bên cạnh đó, do ống khói xây dựng thấp, hệ thống xử lý khói bụi công nghệ cũ, lạc hậu đã xuống cấp nên tạo cho khu vực xung quanh nhà máy và một phần dân cư của thị xã bị ô nhiễm, khói bụi. Trước những khó khăn chồng chất đó, được sự quan tâm của ngành và địa phương nên từ năm 1993 đến 1997, Nhà máy đã thực hiện chương trình đại tu phục hồi lại các thiết bị chính của lò, máy, điện với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Theo đó, cả 4 lò hơi được phục hồi theo đúng công suất, sản lượng điện tăng từ 182 triệu KWh năm 1992 lên 519 triệu kWh năm 1997, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể.
Với phương châm, phát triển sản xuất, kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường, Nhà máy luôn coi trọng và chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; thường xuyên chăm lo, cải thiện môi trường, đặc biệt là nơi làm việc cho người lao động. Trong các năm 1997-2003, Nhà máy đã đầu tư 2 dự án "Khắc phục ô nhiễm môi trường khí quyển" và "Hệ thống tuần hoàn nước bãi xỉ", góp phần giảm lượng khói bụi, các thông số kỹ thuật được cải thiện, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng lên. Ngay trong năm 2000, năm đầu tiên hoàn thành dự án, sản lượng điện đã đạt 554 triệu kwh, cao nhất sau 17 năm nhà máy vận hành liên tiếp. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nhà máy tiếp tục nâng cấp các thiết bị chính khác. Nhóm chuyên gia và công nhân kỹ thuật của công ty đã trực tiếp thay thế thành công các cánh của turbin bị mòn, rạn nứt, làm giảm công suất phát điện và sự cố gây nguy cơ mất an toàn trong sản xuất. Đồng thời tích cực triển khai công trình nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, công trình kết hợp với Viện Năng lượng nghiên cứu ứng dụng thành công hệ thống vòi đốt UD của hãng Mitsubisi thay thế cho các bộ đốt cũ của các lò hơi đã được nhận giải Nhất giải thưởng VIFOTEC (Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam) của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2003.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Nhà máy Điện Ninh Bình chuyển thành Công ty Nhiệt điện Ninh Bình từ năm 2005 với chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh hạch toán độc lập, thực hiện nghĩa vụ thuế tại địa phương. Song song với đó, Công ty còn tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại lực lượng lao động, thẩm định đánh giá doanh nghiệp để cổ phần hóa. Nhờ triển khai những biện pháp hợp lý, trong 3 năm 2005-2007 Công ty đã tiến hành cổ phần hóa thành công. Số đầu mối các đơn vị giảm chỉ còn 14 đơn vị đầu mối, giảm 11 đầu mối so với trước năm 2005. Số lao động của Công ty tính đến tháng 1-2008 là 1.018 người, giảm nhiều so với thời kỳ trước nhưng sản lượng điện lại tăng 1,2 lần so với năm 2004.
Bước sang năm 2008, năm đầu Công ty chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong thời điểm đó cũng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, Công ty đã gặp không ít khó khăn. Tập thể lãnh đạo và người lao động trong Công ty đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh: Sản lượng tăng 112% so với năm 2007, suất sự cố giảm, tổng doanh thu đạt 457 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng 72% so với kế hoạch. Tháng 8-2009, cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam với mã giao dịch NBP. Theo đó, Công ty được chấp thuận niêm yết 12.865.500 cổ phiếu phổ thông, tương ứng với giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá 128,655 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã và đang tích cực mở rộng các ngành nghề khác ngoài sản xuất điện hiện có như sản xuất vật liệu cách nhiệt, tách tro xỉ, làm các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường… Trong các năm 2010-2013, kinh tế đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình vẫn tiếp tục củng cố thiết bị, thi đua sản xuất đảm bảo phương thức, sản lượng, doanh thu theo kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông thường niên giao hàng năm. Đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông và quyền lợi của người lao động. Tính đến hết năm 2013, số lao động của Công ty còn 822 người, được bố trí làm việc tại 13 đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2007-2013 Công ty đã được EVN, Tổng Công ty phát điện 3 giao làm tư vấn quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình có công suất 600MW, với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Với những thành tích đã đạt được, Công ty đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2003); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008) cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt, ngày 8-11-2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 2108 /QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình.
Để xây dựng Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình phát triển toàn diện và bền vững, tập thể lãnh đạo, CBCNV Công ty đã xác định rõ hướng đi và xây dựng chiến lược phát triển. Trong đó chú trọng phát huy tối đa nội lực, tăng cường đoàn kết, khắc phục khó khăn, nắm bắt nhanh nhạy những diễn biến của nền kinh tế đất nước, của thời tiết, thị trường và sự biến động của ngành để có kế hoạch cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất; làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện và thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trước mắt, để đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định, Công ty đã đề xuất và được Tổng Công ty Phát điện 3 nhất trí, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2013 biểu quyết cho đầu tư, sửa chữa phục hồi các tua bin từ năm2015 đến năm 2018 để tiếp tục sản xuất đảm bảo hiệu quả cao hơn. Tin tưởng với những nỗ lực không ngừng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Duy Hiền