Xác định việc hình thành và phát triển nghề công tác xã hội có vai trò rất quan trọng, ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó đã xác định rõ mục tiêu, nội dung hoạt động nhằm phát triển Công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề Công tác xã hội trong các lĩnh vực y tế ở nước ta.
Công tác xã hội trong bệnh viện là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh. Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên Công tác xã hội trong bệnh viện là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… Chính vì thế, Công tác xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế; đây là một bước phát triển mới trong công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh.
Cụ thể hơn, Công tác xã hội trong bệnh viện có nhiệm vụ bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan cho bệnh nhân và gia đình của họ trong quá trình điều trị; tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ trên cơ sở tìm hiểu và phân tích các yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân; kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho từng bệnh nhân; nghiên cứu cung cấp bằng chứng từ thực tế hoạt động để đề xuất chính sách; hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế… Ngoài ra, Công tác xã hội trong bệnh viện còn có nhiệm vụ giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhân nghèo, công tác truyền thông và quan hệ công chúng trong bệnh viện, tham gia công tác đào tạo tại bệnh viện…
Năm 2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Tổ công tác xã hội trực thuộc phòng Điều dưỡng; năm 2015 được chuyển sang phòng Quản lý chất lượng bệnh viện; đến tháng 5/2017 chính thức thành lập phòng Công tác xã hội của bệnh viện. Theo đó, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, đoàn thể trong bệnh viện nhằm thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối giữa bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ tiếp đón, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh; hỗ trợ khoa xét nghiệm tại khu tiếp đón xét nghiệm; hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp cũng như các nghĩa vụ của người bệnh ngoại trú, nội trú như: bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội; cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh; giải quyết thắc mắc, bức xúc cho người bệnh và người nhà người bệnh; hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện; phối hợp với các khoa lâm sàng trong việc truyền thông tư vấn sức khỏe; giúp đỡ, chia sẻ với người bệnh; trợ giúp bác sỹ trong khám, chữa bệnh; theo dõi, hỗ trợ nhân viên, người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Công đoàn bệnh viện trong tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ…
Một trong những nhiệm vụ được các cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn chú trọng, đó là kêu gọi các nhà tài trợ để có nguồn kinh phí, vật chất nhằm chăm lo đời sống tinh thần và sinh hoạt hàng ngày cũng như hỗ trợ tiền viện phí cho các trường hợp bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo... Cùng với đó, phòng Công tác xã hội là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo giải quyết những kiến nghị, thắc mắc, bức xúc của người bệnh và người nhà người bệnh về cơ sở vật chất, tinh thần, thái độ của nhân viên, chất lượng chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện. Từ đó đề xuất khen thưởng với các cá nhân, tập thể có tinh thần thái độ phục vụ tốt, có thành tích xuất sắc, xử lý kỷ luật với các cá nhân, tập thể khoa, phòng vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp, nội quy, quy chế Bệnh viện.
Qua hơn 4 năm thành lập và hoạt động, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát huy hiệu quả theo đúng mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng bệnh viện; tạo sự hài lòng và niềm tin cho người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Theo lãnh đạo ngành Y tế Ninh Bình, hiện hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai hoạt động công tác xã hội với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp; hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh… Cùng với đó, hoạt động công tác xã hội ở bệnh viện không chỉ có vai trò trong hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, tạo sự hài lòng cho người bệnh và người nhà của họ.
Hạnh Chi