Để hỗ trợ các thành viên, trong 5 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 75 HTX, 230 THT. Bên cạnh sự tư vấn về quy trình thành lập HTX, lập dự án sản xuất, kinh doanh, xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động....các HTX, THT còn được hỗ trợ về kinh phí theo Đề án số 22/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2015-2020. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ thành lập mới HTX, THT là hơn 1,3 tỷ đồng. Số HTX mới thành lập đảm bảo yêu cầu về nguyên tắc hoạt động.
Có thể khẳng định từ sự hỗ trợ này khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có bước chuyển biến mới về số lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 348 HTX thu hút trên 260 nghìn thành viên tham gia, trong đó có 277 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 32 HTX phi nông nghiệp; 39 quỹ tín dụng nhân dân.
Với việc không ngừng đổi mới lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các HTX, THT đã từng bước được củng cố, phát triển và khẳng định vị thế của mình trong cơ chế thị trường. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.....
Cùng với hỗ trợ thành lập mới HTX, THT, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… cho cán bộ các HTX. Công tác đào tạo bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tăng cường công tác bồi dưỡng theo từng chuyên ngành các HTX, từng chức danh, cập nhật những chính sách mới và gắn nội dung liên kết HTX với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhằm cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng, đảm bảo quản lý, điều hành hoạt động của HTX đúng hướng, đúng pháp luật và hiệu quả.
Trong 5 năm, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 8 lớp tập huấn cập nhật kiến thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể cho 875 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 33 lớp về nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho trên 2.300 lượt cán bộ quản lý, chuyên môn HTX; 20 lớp dạy nghề cho 600 lượt lao động trong HTX, THT với tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỷ đồng; 32 lớp tập huấn về vệ sinh an toàn lao động, vận hành máy móc thiết bị cho 185 học viên với kinh phí thực hiện 184 triệu đồng.
Qua công tác bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức lĩnh vực kinh tế hợp tác đã giúp cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và cán bộ các HTX, THT cập nhật sâu hơn thông tin kiến thức pháp luật, nhất là nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX. Đồng thời, còn tạo điều kiện để các HTX, THT đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.
Liên minh HTX tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, để các HTX, THT tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh về vốn vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 68 của Chính phủ; Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Đồng thời, hỗ trợ các HTX, THT được vay vốn ưu đãi do Liên minh HTX tỉnh quản lý để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ quay vòng, Liên minh HTX tỉnh đã cho 61 lượt HTX, THT vay vốn với tổng vốn vay quay vòng gần 23 tỷ đồng. Sau khi cho vay vốn, Liên minh HTX đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả đúng kỳ hạn để tiếp tục đầu tư cho dự án khác.
Trong hoạt động hỗ trợ các thành viên xúc tiến thương mại, Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho 170 lượt HTX tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh với trên 50 sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu. Các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên thị trường, giúp các HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, tích cực mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Bên cạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, Liên minh HTX tỉnh còn tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT. Nhờ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều HTX, THT đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, như: HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn Tam Điệp; HTX Thủy sản Gia Hòa; HTX Chiếu cói Đại Đồng; HTX Nông sản an toàn Liên Dương.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục có kế hoạch phát triển thành viên, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề cho xã viên HTX;... tạo nguồn lực vững chắc cho kinh tế hợp tác phát triển.
Giáng Hương