Với đội ngũ trên 40 cán bộ thú y từ tỉnh tới các huyện, thị, thành phố, hoạt động trên địa bàn khá rộng, Chi cục thú y gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các đợt tiêm phòng hay dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, dịch bệnh thường xuyên xuất hiện như: dịch cúm H5N1, tai xanh ở lợn... làm thiệt hại nhiều cho các địa phương, song với sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi cán bộ thú y, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, dịch bệnh đã được khống chế trong thời gian ngắn và giảm thiệt hại thấp nhất cho người chăn nuôi.
Trong công tác giám sát dịch bệnh, chi cục thú y tỉnh đã tập trung chỉ đạo các trạm thú y vận động nhân dân thực hiện về tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại bằng biện pháp sinh học, thường xuyên quét dọn chuồng trại, phun hóa chất, bón vôi tỏa định kỳ nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Biện pháp này được đông đảo nhân dân thực hiện và giờ đây trở thành thói quen của mỗi hộ dân khi bắt tay vào chăn nuôi.
Với phương châm "phòng là chính", trong công tác tiêm phòng, hàng năm, Chi cục thú y đã tố chức tập huấn hàng chục lớp thú y cho cán bộ cơ sở, tập huấn kĩ thuật chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người dân. Kết quả, trong nhiều năm liền, các đợt tiêm phòng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, từ chỗ nhận thức của nhân dân về tiêm phòng chưa đầy đủ, coi đó là việc làm của những người làm công tác thú y, giờ đây người chăn nuôi đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong tiêm phòng.
Tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở về công tác phòng, chống dịch.
Kết quả tiêm phòng 6 tháng đầu năm 2009 đạt và vượt KH. Tiêm phòng vác xin H5N1 cho đàn gia cầm được trên 5,6 triệu lượt con, đạt 49,8% so kế hoạch năm 2009, bằng 98,3 % so với cùng kỳ năm 2008. Tiêm vác xin LMLM (trâu bò, lợn nái): 61.500 liều, đạt 54,0 % kế hoạch năm 2009, bằng 88,7 % so với cùng kỳ 2008. Tiêm phòng vác xin tụ huyết trùng trâu bò: 30.000 liều, đạt 80% kế hoạch năm 2009, bằng 256 % so với năm 2008.
Công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm; thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc thú y trên địa bàn được duy trì và hoạt động có hiệu quả đã góp phần ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc vào địa bàn, gia súc bị bệnh ra khỏi địa bàn.
Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, công tác thú y đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi toàn tỉnh phát triển. Theo số liệu tổng hợp, đến hết năm 2008, đàn lợn tăng 1,7%, đàn trâu bò, dê và gia cầm đều tăng hơn so với những năm trước. Kết quả đạt được có sự đóng góp không nhỏ của công tác thú y trong việc giám sát dịch bệnh, tổ chức tiếm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm và vận động người dân tham gia giữ gìnvệ sinh môi trường chăn nuôi theo hướng sinh học.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chăn nuôi trên địa bàn còn mang tính tự phát, phân tán, qui mô chăn nuôi nhỏ chiếm trên 80%; năng suất, và hệ số quay vòng chăn nuôi thấp, nên hiệu quả đạt được từ chăn nuôi chưa cao. Nhiều trang trại phát triển chủ yếu ở gần đường làng, cùng nơi ở trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đội ngũ những người làm công tác thú y hầu hết có trách nhiệm với công việc, song với số lượng ít, hoạt động trên địa bàn rộng, nên còn gặp khó khăn như: tỉ lệ tiêm phòng thấp, công việc vất vả nhưng thù lao chưa tương xứng...
Vì vậy cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, với nhiều kinh nghiệm đúc kết trong các đợt dập dịch, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, sự tự giác của người dân với trách nhiệm thực hiện pháp lệnh thú y, công tác thú y tiếp tục đạt được những kết quả cao, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn