Đạt được điều này là nhờ công tác thi đua khen thưởng của ngành luôn được chú trọng để tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó tiêu chí có tính chất quyết định đến việc thi đua ở các đơn vị phải kể đến cuộc vận động " 2 không"
Để việc đánh giá, xếp loại thi đua các đơn vị được chính xác và khách quan, công bằng, có tác dụng động viên khuyến khích các phong trào thi đua, Sở Giáo dục- Đào tạo đã đề ra quy định về đánh giá, xếp loại các đơn vị và cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó việc đánh giá xếp loại thi đua được gắn chặt với việc thực hiện cuộc vận động 2 không. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu của các đơn vị, cá nhân.
Đầu năm học cùng với việc triển khai nhiệm vụ năm học mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức phát động tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Hai không" với 4 nội dung. Tiếp đó, Sở đã chỉ đạo tất cả các trường học trong tỉnh tổ chức ký cam kết tiếp tục thực hiện cuộc vận động (thực hiện đồng loạt trong ngày khai giảng năm học với sự tham gia của lãnh đạo địa phương và đại diện các ban, ngành, đại diện phụ huynh cùng toàn thể học sinh, giáo viên trong trường.
Để thực hiện thi cử nghiêm túc, chống bệnh chạy theo thành tích, Sở đã ra văn bản số 995/SGD&ĐT-VP, quy định và hướng dẫn đánh giá, xếp loại thi đua áp dụng từ năm học 2007-2008 đối với tất cả các đơn vị và cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Theo đó, tiêu chí "Hai không" được đánh giá với hệ số rất cao. Những đơn vị, cá nhân nâng điểm cho học sinh, đánh giá, xếp loại không khách quan, không phản ánh đúng thực chất ngoài việc bị cắt danh hiệu thi đua còn có thể bị ngừng bố trí giảng dạy hoặc chuyển công tác; với cán bộ quản lí có thể bị miễn nhiệm.
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ việc thực hiện cuộc vận động "2 không" ở các đơn vị giáo dục thì ngành giáo dục đã đổi mới công tác thi đua bằng việc nhân rộng các điển hình tiên tiến trong ngành. Cùng với việc chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp ngành giáo dục- đào tạo đã tiến hành đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng công tác thi đua phải phục vụ thiết thực việc dạy tốt hơn, học tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn. Nâng cao trách nhiệm và tính trung thực trong báo cáo, trong đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua.
Từ năm học 2006-2007 và năm học 2007-2008, các cấp quản lí và các nhà trường không giao chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu xếp loại học sinh khi chưa có cơ sở và điều kiện thực hiện chỉ tiêu đó. Việc đánh giá, xếp loại nhà trường, giáo viên phải thực hiện đúng tiêu chuẩn và điều kiện quy định, có khống chế tỉ lệ khá, tốt. Công tác thi đua khen thưởng được đánh giá theo các tiêu chí cụ thể, lấy chất lượng và hiệu quả giáo dục làm trọng; chống nể nang, dễ dãi, xuê xoa. Đối với các Phòng Giáo dục, lấy kết quả học sinh tốt nghiệp lớp 9 xếp loại Giỏi, Khá để so sánh kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10: kết quả sai lệch nhiều sẽ tính vào thi đua ( chống bệnh thành tích ở cơ sở).
Sở GD&ĐT đã xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua áp dụng cho từng ngành học, cấp học, từng đơn vị trong toàn ngành, chia theo từng khối để xếp loại thi đua. Thành tích của Lãnh đạo đơn vị gắn với thành tích của tập thể, số cán bộ giáo viên được xếp Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến phụ thuộc vào kết quả xếp loại thi đua của đơn vị. Công tác tuyên truyền, giới thiệu điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến được thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; hội thảo; mở các chuyên mục "gương người tốt, việc tốt" trên Báo Ninh Bình và truyền hình Ninh Bình. Đặc biệt, đặc san Giáo dục Ninh Bình đã có chuyên mục riêng "Gương sáng từ cơ sở" để phục vụ tích cực cho công tác tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến.
Thông qua cuộc vận động "2 không", công tác thi đua của ngành giáo dục- đào tạo đã đổi mới căn bản về chất, không còn việc đánh giá chạy theo hình thức như những năm trước đây. Chất lượng dạy và học đã có nhiều đổi mới ngày càng khẳng định được vị trí của ngành giáo dục Ninh Bình trên bình diện chung của giáo dục cả nước.
Nguyễn Thơm