Quy hoạch đi trước một bước
Trong giai đoạn 2013- 2017, nhiều quy hoạch đô thị đã được các ngành, các cấp triển khai lập và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo trình tự, quy định hiện hành, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp) đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị Nho Quan đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung các thị trấn Yên Ninh, Yên Thịnh; Quy hoạch phân khu các khu vực đô thị trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị Phát Diệm…
Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch chuyên ngành cũng được triển khai lập và phê duyệt như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Ninh Bình đến năm 2020… Song song với các quy hoạch xây dựng, các quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch các đô thị cũng được ban hành, làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý phát triển đô thị.
Trên cơ sở các quy hoạch chung, phân khu đô thị, UBND các cấp đã tiến hành lập hơn 50 quy hoạch chi tiết các khu dân cư phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt ở thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Công tác lập quy hoạch ở các cấp được nâng cao, đảm bảo theo trình tự quy định hiện hành và chất lượng đồ án chuyển biến rõ rệt, có chất lượng, hiệu quả sử dụng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, các đồ án quy hoạch đã đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị, góp phần định hướng phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn tiếp theo, trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt là định hướng phát triển đô thị gắn với phát triển du lịch, bảo tồn phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, Khu tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu Nhà thờ đá Phát Diệm, khu sân golf hồ Yên Thắng, hình thành các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú du lịch, các trung tâm thương mại, chất lượng sống đô thị nâng cao…, qua đó thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của các quy hoạch đô thị.
Các đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt dưới sự quản lý của các cấp, các ngành đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các đô thị, các khu dân cư đô thị. Đồng thời, các quy hoạch được công bố công khai, rộng rãi tới nhân dân, các tổ chức nắm rõ định hướng quy hoạch và cùng với cơ quan nhà nước giám sát việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Các công trình hạ tầng cơ sở được triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ, đúng với quy hoạch làm cho diện mạo đô thị đổi mới, khang trang hơn trước, đời sống kinh tế-xã hội, chất lượng sống đô thị được nâng cao.
Tạo tiền đề cho phát triển đô thị
Cùng với công tác lập quy hoạch, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đã được quan tâm, nâng cao, có những chuyển biến lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị đã tạo tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị. Việc quản lý quy hoạch đã được xác định từ bước lập quy hoạch, xây dựng các quy định quản lý theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch, được cụ thể hóa bằng các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của các cấp, sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chuyên ngành của tỉnh, của địa phương. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị Ninh Bình, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch thành phố Tam Điệp, yêu cầu UBND cấp huyện lập quy chế quản lý cho các đô thị thuộc địa bàn quản lý.
Công tác phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nỗ lực triển khai thực hiện. Đồng thời còn được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành ở Trung ương. Trong giai đoạn 2013 - 2017, 2 đô thị lớn của tỉnh là Ninh Bình và Tam Điệp đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tập trung xây dựng phát triển đô thị và đạt nhiều kết quả: Thành phố Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II tại Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 20/5/2014; thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III vào năm 2012 và trở thành thành phố vào tháng 4/2015 theo Nghị quyết số 904/NQ-UBTVQH11 của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các thị trấn huyện lỵ cũng được quan tâm, đầu tư phát triển đồng bộ, đặc biệt là thị trấn Thiên Tôn, Nho Quan và Phát Diệm. Các điểm dân cư tập trung dự kiến hình thành các điểm đô thị trong tương lai được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Có thể thấy, trong những năm qua, các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư xây dựng. Các công trình cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình tiêu biểu đã được triển khai thực hiện, qua đó chất lượng sống đô thị được nâng cao, cảnh quan đô thị được cải thiện, bộ mặt đô thị khang trang hơn trước, các đô thị đã thực sự trở thành trung tâm, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện hay các vùng trong tỉnh.
Nguyễn Thơm