Bắt đầu từ tháng 4-2012, xã Khánh Nhạc đã chỉ đạo xóm 4A và xóm 4B của HTX Hợp Tiến làm điểm về công tác dồn điền, đổi thửa để rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ trên toàn xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân 2 xóm đã đồng tình nhất trí với chủ trương của xã. Từ việc mỗi hộ có nhiều thửa ruộng, sau khi dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Có trường hợp hai, ba anh em trong cùng một nhà tình nguyện cùng dồn vào một thửa ruộng. Sau khi dồn điền, đổi thửa, 2 xóm làm điểm đã bắt tay vào sản xuất vụ mùa, nhân dân rất phấn khởi đầu tư thâm canh sản xuất.
Bác Phạm Văn Bách, xóm 4A vui vẻ cho biết: Trước đây gia đình bác cấy hơn 1 mẫu ruộng được chia nhỏ thành 4 thửa ở những nơi cách xa nhau. Nhưng sau khi dồn điền, đổi thửa, từ 4 thửa ruộng, gia đình bác chỉ còn lại 2 thửa. Qua sản xuất vụ mùa cho thấy việc thâm canh có rất nhiều thuận lợi từ khâu gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch. Năm nay toàn bộ diện tích lúa vụ mùa của gia đình bác đều thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, rút ngắn thời gian, tránh thiệt hại do mưa bão thất thường, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông sớm trong khung thời vụ.
Sau khi dồn đổi, xóm 4A có tới 50% số hộ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, giảm được chi phí thu hoạch, nâng cao thu nhập cho bà con. Không chỉ mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa, do dồn đổi thành thửa ruộng lớn nên gia đình bác đã đầu tư vào sản xuất cây vụ đông theo hướng sản xuất tập trung với nhưng cây trồng hàng hóa có giá trị, dần dần đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm.
Công tác dồn điển, đổi thửa ở xóm 4A và xóm 4B đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, là tiền đề để xã Khánh Nhạc bắt tay thực hiện ở tất cả các đơn vị khác trong xã. Tuy nhiên, qua việc triển khai thí điểm cho thấy việc dồn điền, đổi thửa ở 2 xóm chưa triệt để, mới chỉ dồn từ những thửa ruộng bé thành thửa ruộng to, chưa gắn với công tác thủy lợi, giao thông nội đồng để đảm bảo 100% diện tích được cơ giới hóa.
Ông Mai Xuân Hàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Rút kinh nghiệm từ đợt làm điểm, trong đợt này, toàn bộ diện tích ruộng của Khánh Nhạc đã triển khai dồn điền, đổi thửa đồng bộ hơn. Bình quân mỗi đội sản xuất đang có từ 6 đến 15 vị trí, khu vực xứ đồng nhỏ lẻ, sau dồn đổi chỉ còn 3-5 vị trí xứ đồng, mỗi hộ gia đình từ 3,38 thửa ruộng/hộ còn 1-1,4 thửa/hộ. Xã vận động các hộ có diện tích dưới 7 sào thì giao vào một thửa; những hộ có diện tích từ 7 sào trở lên thì giao 2 thửa; khuyến khích các hộ là anh em trong cùng gia đình nhận cùng một thửa. Đồng thời tiến hành quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng của 2 HTX theo hướng: Cứ 2 dây ruộng cũ dồn vào một dây mới và cứ 2 dây ruộng mới có một kênh dẫn nước ở giữa chiều rộng 1,5m và một đường bờ thửa, mặt đường rộng 2m.
Như vậy sau khi dồn điền, đổi thửa, gia đình nào cũng có một đầu là kênh tưới tiêu và một đầu là đường bờ thuận tiện cho sản xuất thâm canh, áp dụng các tiến bộ mới và đưa cơ giới vào đồng ruộng. Trong đợt này, toàn xã làm mới 131 bờ vùng, 137 tuyến kênh, làm mới thêm 3 trục đường, lắp đặt thêm 3 trạm bơm dã chiến phục vụ tưới tiêu. Đến nay, Khánh Nhạc đã cơ bản thực hiện xong việc quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển đổi diện tích giữa các đội sản xuất, các HTX cho phù hợp với tinh thần tiện canh, tiện cư, liền vùng, liền thửa. Xã cũng đã tổ chức họp triển khai chủ trương tới 19 đội sản xuất và bà con nhân dân.
Nhìn chung nhân dân đều đồng tình ủng hộ việc đồn điển, đổi thửa, mỗi hộ đồng ý hiến 8m2/sào ruộng và đóng 250 nghìn đồng/sào để làm giao thông nội đồng và các công trình thủy lợi. Hiện nay, Khánh Nhạc đang huy động máy móc, nhân công để làm giao thông thủy lợi nội đồng, phấn đấu giao ruộng cho các hộ trước thời điểm đổ ải sản xuất vụ xuân.
Sau khi dồn điền, đổi thửa, Khánh Nhạc sẽ khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, tạo thành những ô thửa lớn, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn cấy đồng trà, đồng giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, làm tăng thu nhập cho người lao động góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hồng Giang