Công tác đối ngoại: Địa phương và doanh nghiệp là vị trí trung tâm
Thứ Hai, 13/12/2021, 03:08
Zalo
Sáng 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề: "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế các địa phương" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 300 điểm cầu trong và ngoài nước.
Công tác đối ngoại: Địa phương và doanh nghiệp là vị trí trung tâm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành trên cả nước.
Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, từ hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều chuyển biến phức tạp và sâu sắc, trong đó đại dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách trong phòng, chống dịch, duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Với tình hình mới, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19, trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho cả nước và địa phương chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn và các vấn đề quốc tế quan trọng; chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Các hoạt động như, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ; một số mặt đã có bước phát triển mới, trong thành tựu chung của đối ngoại có đóng góp của đối ngoại từ các địa phương góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội.
Với sự chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tích cực bảo hộ công dân, đặc biệt tiếp nhận an toàn công dân từ nước ngoài về nước do tác động của dịch COVID-19. Ngoại giao văn hóa ở các địa phương ngày càng được chú trọng, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh các địa phương với bạn bè quốc tế, số lượng hồ sơ di sản địa phương trình lên và được UNESCO công nhận ngày càng tăng…
Tại Ninh Bình, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động đối ngoại giao của tỉnh cũng có sự thay đổi đáng kể. Từ tháng 8/2018 đến 2019, số lượng đoàn vào thăm, làm việc, tìm hiểu xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch khoảng 180 đoàn trong đó có 2 đoàn cao cấp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Đoàn Chủ tịch Quốc hội Srilanka, 8 đoàn từ cấp Đại sứ, tỉnh trưởng trở lên. Trong hai năm 2020 và 2021, do tình hình của dịch COVID-19 đã hạn chế việc trao đổi đoàn cấp cao giữa các địa phương.
Tuy vậy, công tác đón tiếp các đoàn cấp nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, đại sứ, tỉnh trưởng của các nước đảm bảo an toàn, trang trọng, chu đáo, đúng nghi thức ngoại giao đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Bình, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch.
Công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động ở Ninh Bình tiếp tục được quan tâm đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, Ninh Bình có 87 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 1.468 triệu USD; quản lý, theo dõi 4 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc các lĩnh vực: thủy lợi, đất đai, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư trên 75 triệu USD (tương đương 1.725 tỷ đồng); quản lý, theo dõi 7 dự án thuộc diện viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) tổng giá trị cam kết gần 85 nghìn USD.
Phù hợp với tình hình cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ, toàn diện, kịp thời, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và người Ninh Bình tới nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Tiêu biểu như Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (năm 2019), hoạt động Giao lưu Hữu nghị Việt Nam - Cu-ba, tại tỉnh Ninh Bình, Lễ Khai mạc Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 10, Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 với Chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm", Hội thảo quốc tế về Nghệ thuật hát Xẩm tại Ninh Bình (năm 2020) quy mô cấp quốc gia với sự tham gia của 6 đoàn đại biểu quốc tế, 13 đại diện của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam…tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Ninh Bình là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách.