Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý TTATXH và đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, bố trí đủ công chức thực hiện công tác hộ tịch; thường xuyên theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch tại địa phương, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình. Vì vậy đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, là cơ sở xây dựng các chính sách an ninh, quốc phòng, dân số-kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đăng ký hộ tịch, tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Tuy nhiên, thực trạng công tác quản lý hộ tịch thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập đó là: trình độ, năng lực của công chức tư pháp hộ tịch không đồng đều, cán bộ tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn nhiều người chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số cán bộ tư pháp hộ tịch đảm nhận nhiều công việc như: công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chứng thực, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở..., do vậy thời gian dành cho nghiên cứu về công tác hộ tịch chưa nhiều. Trình độ tin học của cán bộ tư pháp hộ tịch còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 219 công chức hộ tịch xã, phường, thị trấn thì hiện có 34,6% chưa có chứng chỉ tin học, thậm chí ở một số nơi cán bộ quản lý hộ tịch chưa biết sử dụng máy vi tính. Công tác lưu trữ hệ thống sổ hộ tịch, hồ sơ hộ tịch tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn bất cập, một số xã không lưu được loại sổ hộ tịch nào, nhiều nơi có sổ lưu nhưng cũ nát, không cập nhật được đầy đủ thông tin.
Tình trạng phổ biến ở UBND cấp xã là không có kho lưu trữ riêng nên hồ sơ hộ tịch lưu trữ cùng với các hồ sơ khác của UBND nên khó khăn trong việc tra cứu, khai thác hồ sơ, cấp bản sao hộ tịch. Mặt khác, việc ghi chép của cán bộ hộ tịch xã, phường, thị trấn còn tùy tiện, thiếu chính xác, có trường hợp giữa biểu mẫu và sổ hộ tịch không trùng khớp về nội dung đăng ký hộ tịch. Một số xã, phường hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con, chỉ lưu quyết định công nhận cha, mẹ, con mà không lưu các giấy tờ có liên quan. Có nơi còn không lập hồ sơ đăng ký khai tử mà chỉ thực hiện ghi vào sổ đăng ký khai tử, hoặc có lập hồ sơ nhưng không đầy đủ, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho giấy báo tử trong các trường hợp chết do tai nạn, đột tử...
Hiện nay, Sở Tư pháp và UBND cấp huyện và một số UBND xã, phường, thị trấn đã được trang bị máy vi tính có nối mạng internet để phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ ở mức độ thống kê, tổng hợp các sự kiện hộ tịch, tra cứu các văn bản về hộ tịch. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch vẫn đang thực hiện theo phương thức thủ công, thời gian thực hiện thủ tục còn kéo dài, trao đổi, cập nhật thông tin còn chậm, thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác... Để triển khai thi hành Luật Hộ tịch được kịp thời và thống nhất, Sở Tư pháp đã tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, công chức thuộc phòng tư pháp, cán bộ hộ tịch các xã, phường, thị trấn.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành tới các tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ tư pháp hộ tịch ở UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền. Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến Luật Hộ tịch; từ đó phân loại, lên danh mục kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản mới thay thế văn bản có nội dung không còn phù hợp. Rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn, đề xuất UBND tỉnh lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch theo tiêu chuẩn của Luật Hộ tịch. Báo cáo đề xuất UBND tỉnh đầu tư, trang bị thống nhất phần mềm quản lý hộ tịch cho Sở Tư pháp và phòng tư pháp các huyện, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho đội ngũ cán bộ, công chức hộ tịch các cấp, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh, kết nối đồng bộ số liệu hộ tịch theo 3 cấp, tiến tới ứng dụng phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch phục vụ kết nối toàn quốc.
Trần Dũng