Đã hơn 3 năm trôi qua, song ông Đinh Xuân Sơn - công nhân Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình vẫn… lạnh gáy khi nhớ lại vụ tai nạn lao động mà ông gặp phải. Ông Sơn kể: Lúc đó, tôi làm ở bộ phận sửa chữa máy. Trong lúc làm việc, tôi bị ngã ở độ cao trên 5m xuống guồng chắn rác. Cú ngã khiến tôi bị đa chấn thương, bất tỉnh tại chỗ. Lập tức, tôi được cán bộ Trạm y tế của Công ty sơ cứu kịp thời trước khi đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. "Tai qua nạn khỏi", hiện tại, ông Sơn được bố trí làm việc ở vị trí khác phù hợp hơn với tình trạng sức khỏe của ông.
Ông An Quang Vinh, Trạm trưởng Trạm y tế Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình cho biết, ngay cả đối với những tai nạn lao động nhẹ như bị chảy máu, nếu người lao động được sơ cứu kịp thời thì sẽ hạn chế được những tổn hại về sức khỏe, chi phí và cả thời gian nghỉ dưỡng. Do đó, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình luôn quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị để trạm y tế ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động. Trong quá trình khám bệnh cho người lao động, chúng tôi kết hợp với công tác tuyên truyền, tư vấn để họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, phòng tránh các bệnh nghề nghiệp.
Hàng năm, Công ty phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Qua đó, phát hiện sớm những lao động có sức khỏe không tốt và lao động mắc bệnh nghề nghiệp để có hướng điều trị và phân công công tác hợp lý. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, từ năm 2012 đến nay, Công ty mới chỉ giải quyết chế độ nghỉ ốm cho gần 10 lao động.
Thực tế, không nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc xây dựng mạng lưới y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động. Dù theo Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ năm 1998 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam thì tất cả các doanh nghiệp đều phải bố trí cán bộ y tế, đảm bảo thường trực theo ca sản xuất và sơ cấp cứu có hiệu quả. Số lượng và trình độ cán bộ y tế tùy thuộc vào số lao động và đặc điểm tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Trong trường hợp thiếu cán bộ y tế có trình độ theo yêu cầu thì có thể hợp đồng với cơ quan y tế địa phương để đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe tại chỗ.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2012, chỉ có hơn 40 đơn vị trong tổng số 146 đơn vị sản xuất được kiểm tra là có cán bộ y tế. Trong đó có 6 đơn vị có trạm y tế. Những đơn vị này chủ yếu là cơ quan Nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Lê Văn Trụ, Phó trưởng khoa sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, hiện ngành Y tế chỉ quản lý về chuyên môn, trong khi việc tổ chức đội ngũ y tế lại do chủ doanh nghiệp. Nên dù chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp về công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, song số chủ doanh nghiệp tham gia rất ít. Họ không đi hoặc nếu có đi thì cử những cán bộ chuyên trách đi, mà những cán bộ chuyên trách này lại tham mưu chưa hiệu quả cho giám đốc.
Năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2013-BYT quy định doanh nghiệp phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề. Tuy nhiên, thực tế là đến nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với quy định này.
Hiện hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu... nên nguy cơ rủi ro trong lao động cao. Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khảo sát 50 đơn vị trong tổng số 375 đơn vị đang hoạt động sản xuất thì tỷ lệ lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại như tiếp xúc với hóa chất, không khí ô nhiễm, tiếng ồn lớn, nhà xưởng chật hẹp, thiếu ánh sáng, bụi… chiếm tỷ lệ trên 80%.
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 28/375 đơn vị thực hiện khám sức khỏe cho hơn 7.000 lao động. Trong đó, chỉ có rất ít các đơn vị như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình, Xi măng Tam Điệp, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình… là làm đúng quy trình khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Còn lại, một số đơn vị có tổ chức khám nhưng không đạt tiêu chuẩn. Họ chỉ thực hiện khám sức khỏe cho người lao động khi đối tác yêu cầu. Tức là khám sức khỏe chỉ được coi là "thủ tục" chứ chưa phải xuất phát từ lợi ích của người lao động. Và nhiều đơn vị vẫn tìm cách thoái thác dù đã được nhắc nhở nhiều lần.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường lao động tại các doanh nghiệp rất hạn chế. Số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra hàng năm rất ít. Do chưa có chế tài xử phạt nghiêm nên vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những đơn vị vi phạm. Nếu căn cứ và so sánh vào mức xử phạt hành chính theo điều 19 của Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 6-5-2010 của Chính phủ thì nếu doanh nghiệp vi phạm lỗi khám sức khỏe sẽ bị phạt thấp nhất là 300 nghìn đồng đối với doanh nghiệp vi phạm dưới 10 lao động và cao nhất là 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp vi phạm với 500 lao động trở lên. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp có nhiều lao động có thể mất hàng trăm triệu đồng để chi trả cho việc khám, chữa bệnh cho người lao động mỗi năm.
Ông Hoàng Văn Trung, Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn và sẽ xử phạt thật nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm.
Tuy nhiên, ý thức của chủ các doanh nghiệp vẫn là vấn đề mấu chốt. Vì lợi ích của người lao động và của chính doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp cần tự giác, chủ động phối hợp với cơ sở y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đó không đơn thuần chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, là văn hóa của mỗi doanh nghiệp đối với người lao động.
Bài, ảnh: Thu Hằng