Với đặc thù là tỉnh có nhiều ngành công nghiệp nặng như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, sản xuất điện, xây dựng… đây là những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Để nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Ban chỉ đạo ATVSLĐ tỉnh đã triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp tới tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhờ đó công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ dần được nâng cao. Công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ được thực hiện nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể. Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, các cơ quan chuyên môn còn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về việc xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị tương thích với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo ATVSLĐ. Đặc biệt, để công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ được coi trọng, hạn chế các tai nạn..., Ban chỉ đạo ATVSLĐ các cấp tiếp tục được kiện toàn, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.
Theo đó, lực lượng thanh tra lao động, lực lượng PCCC được tăng cường cả về số lượng, trang thiết bị phương tiện nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, đẩy lùi nguy cơ cháy nổ và bệnh nghề nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện chương trình Quốc gia về ATVSLĐ theo từng giai đoạn với các nội dung như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, bảo hộ lao động.
Là cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, công tác ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ được LĐLĐ tỉnh chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Trong năm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp về thực hiện hồ sơ, tình hình chấp hành quy định lao động để kịp thời nhắc nhở và xử lý hành chính các trường hợp vi phạm. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực ngành nghề như: công trình xây dựng, sản xuất thủy sản, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, chế biến lương thực…
Phong trào "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm VSATLĐ" đã được triển khai thường xuyên trong các doanh nghiệp. Các cấp Công đoàn còn phát động phong trào thi đua "Phát huy sáng kiến, nghiên cứu đề tài khoa học về bảo hộ lao động" nhằm đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành kiểm tra, kiện toàn, bổ sung, sửa đổi nội quy lao động, kiện toàn bộ máy vệ sinh lao động. Tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ cho mạng lưới an toàn viên. Tổ chức các cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi tại các địa phương. Do đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã chủ động hơn trong việc tổ chức các lớp tập huấn ATVSLĐ cho người lao động. Các doanh nghiệp đã từng bước quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đồng thời, các đơn vị duy trì việc tuyên truyền kiến thức về ATVSLĐ thông qua "Góc an toàn", "Phòng truyền thông về an toàn", các bản tin, truyền thanh nội bộ về công tác ATVSLĐ. Hàng năm, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch ATVSLĐ cùng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới, chăm lo sức khỏe cho công nhân, tăng cường trang bị thiết bị bảo hộ lao động như: Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công, Công ty cổ phần hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình, Tập đoàn The Vissai…
Theo thống kê năm 2014, trên địa bàn Ninh Bình đã xảy ra 92 vụ tai nạn lao động, làm 94 người bị nạn, trong đó có 6 người tử vong và 8 người bị thương nặng; xảy ra 20 vụ cháy và 1 sự cố, giảm hơn 50 vụ tai nạn lao động và 57 người bị nạn so với năm 2013. Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do vậy, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ năm 2015, Ban chỉ đạo ATVSLĐ - PCCN tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động cần đổi mới nội dung, hình thức, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ - PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, tăng cường hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn ATVSLĐ, trang bị bảo hộ lao động, thiết bị phòng, chống cháy nổ để việc phòng tránh tai nạn lao động đạt kết quả cao nhất.
Đào Thu