Mặc dù việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai từ nhiều năm trước song đến nay công tác tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng, về tấm gương học tập, lao động của Bác vẫn tiếp tục được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng nhằm giúp cán bộ, CNVCLĐ hiểu sâu hơn, thấm nhuần hơn tư tưởng của Người. Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành hướng dẫn học tập chuyên đề tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng quý, đồng thời gợi ý một số hình thức học tập (hội nghị chuyên đề, đi học hỏi thực tế…) và cụ thể hóa việc "làm theo" đối với từng đối tượng là cán bộ công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ. Năm 2014, các cấp công đoàn đã tổ chức 375 buổi sinh hoạt phù hợp đặc điểm tình hình và quy mô của từng đơn vị. Ngoài ra cũng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động về 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ hiểu sâu sắc tấm gương đạo đức của Bác mà ý thức việc "làm theo" của cán bộ, CNVCLĐ được thể hiện rõ nét và cụ thể qua thái độ, tinh thần làm việc, qua thực hành tiết kiệm tại cơ quan, đơn vị. Trong đó nổi bật hơn cả là qua triển khai hiệu quả các phong trào thi đua như thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; thi đua vì sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới… Ngay từ đầu năm LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã và công đoàn ngành đã ký giao ước, đăng ký và phát động thi đua. 16/16 đơn vị đã chỉ đạo các CĐCS phối hợp chuyên môn hoàn thành 26 công trình, sản phẩm trị giá 27,7 tỷ đồng; gần 1.900 đề tài, sáng kiến cơ sở được các cấp có thẩm quyền công nhận và có hàng nghìn sáng kiến được tổ chức thực hiện mang lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng. Trong đó có 56 đề tài, sáng kiến đề nghị đánh giá, xét công nhận đạt sáng kiến cấp tỉnh. Cán bộ chuyên trách ở 1 số LĐLĐ đã tích cực đăng ký thực hiện đề tài, sáng kiến áp dụng vào công việc như LĐLĐ thành phố Ninh Bình, Gia Viễn.
Điểm đáng ghi nhận trong các phong trào thi đua của CNVCLĐ toàn tỉnh thời gian qua cũng phải kể đến việc đóng góp trách nhiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng trên cơ sở nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ, CNVCLĐ ở các huyện, thành phố, thị xã và ngành nông nghiệp tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tới bà con nông dân. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ rừng… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Cán bộ, đoàn viên cấp xã tích cực xuống từng hộ dân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và gương mẫu đi đầu thực hiện tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp công để mở đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Thực tiễn cho thấy 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 trong toàn tỉnh có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đoàn viên công đoàn.
Ngoài ra khi phát động, triển khai các phong trào thi đua, các cấp công đoàn cũng đặc biệt chú trọng gắn với các lời dạy cụ thể, sát thực của Bác. Sinh thời Bác từng chỉ ra: Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao. Nhớ lời dạy đó, các cấp công đoàn đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển. Công đoàn các cơ quan hành chính sự nghiệp chủ động phối hợp, đề xuất với chính quyền, chuyên môn bố trí, sắp xếp công việc hợp lý, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thông qua các phong trào thi đua sôi nổi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai sâu rộng ở từng cơ quan, đơn vị.
Đào Duy