Làm việc tại một doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Yên Khánh, Nguyễn Ngọc Linh (xã Khánh Thủy) cho biết: Khi sinh con đầu lòng, nghỉ hết chế độ thai sản, em bắt đầu đi làm trở lại thì nảy sinh một vấn đề là lấy ai trông con để mẹ đi làm? Cả gia đình đau đầu suy nghĩ, tìm cách, nhưng phương án nhờ hoặc gửi ai đó trông giúp không khả thi vì ở vùng nông thôn, tìm người trông trẻ rất khó, vả lại tiền lương chẳng đáng là bao, giờ lại thêm khoản gửi con thì rất "bí". Nhà chỉ còn ông nội ốm yếu là có khả năng trông trẻ, dù có không yên tâm, nhưng cũng đành để con cho ông trông từ khi con bé mới hơn 6 tháng tuổi. Đến nay, con gái Linh đã được hơn 2 tuổi. Mọi khoản từ ăn uống, tắm giặt… đều do một tay ông nội chăm. Công việc làm công nhân may của Linh chiếm khá nhiều thời gian trong ngày, nhất là thêm khoản tăng ca, lại không có ngày nghỉ nên con bé nhà Linh đành phải cai sữa mẹ từ nhỏ… Nhưng dù sao thì Linh cũng còn được hỗ trợ trong việc chăm sóc, trông coi con nhỏ để đi làm, còn Lê Hải Yến (xã Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) mới thực sự vất vả trong việc tìm nơi gửi con sau khi hết thời gian nghỉ sinh. Yến tâm sự: Hai vợ chồng đều ở huyện lên thành phố lập nghiệp, đều đi làm công nhân trong khu công nghiệp Khánh Phú nên phải thuê nhà để ở. Sau đám cưới, cả 2 đều nghĩ đến tình huống khó khăn khi có con, nhưng vì mong muốn có tiếng trẻ nhỏ trong nhà nên sau khi cưới, vợ chồng Yến quyết định có con luôn. Thời gian "ở cữ", 2 bà nội, ngoại thay nhau lên chăm con, chăm cháu nhưng cũng chỉ "chốc lát" vì bà nào cũng còn công việc đồng áng, việc nhà. Đến khi con cứng cáp để mẹ có thể đi làm trở lại thì khó khăn bắt đầu. Khu vực gia đình Yến cư trú cũng có nhiều cá nhân nhận trông giữ trẻ, có cả lớp mầm non tư thục và trường mầm non. Tuy nhiên, để trông giữ một đứa trẻ mới 6 tháng tuổi, chẳng nơi nào muốn nhận bởi "cháu còn bé quá, nếu chỉ ôm ấp mỗi nó thì chúng tôi chẳng làm được việc gì khác, lại cũng không thể trông giữ thêm trẻ…". Tìm hiểu vài nơi nhận trông trẻ tại nhà, mà nhận cả trẻ nhỏ vài tháng, nhưng tiền công cũng phải 2,5- 3 triệu đồng/tháng; lại nghe thông tin nhiều gia đình thuê được người giúp việc trông con đi làm với mức giá từ 3- 3,5 triệu đồng/tháng mà Yến cứ ao ước… Cuối cùng, phương án được "chốt" lại là Yến tiếp tục nghỉ việc để ở nhà trông con. Chỉ có điều, khoản thu nhập ít ỏi của gia đình lâu nay giảm đi một nửa, 3 miệng ăn, tiền thuê nhà, các chi phí sinh hoạt chỉ trông vào mỗi suất lương của chồng khiến cuộc sống của gia đình Yến hết sức khó khăn…
Thực tế cuộc sống của những công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cải thiện từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là việc các gia đình công nhân có con cái đang ở độ tuổi mẫu giáo. Với các lao động nữ đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, nên phần lớn đến từ các vùng nông thôn. Khi có con, khó khăn càng thêm khó khăn vì theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động nữ chỉ được nghỉ sinh 6 tháng, nếu sinh đôi, được nghỉ thêm 1 tháng nữa. Chính khoảng thời gian hết chế độ thai sản, khi đứa trẻ còn quá bé để gửi đến các trường mầm non mới là khoảng thời gian nhiều gia đình công nhân… không biết xoay xở ra sao.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp với trên 33.000 lao động, trong đó lao động nữ có 19.047 người, chiếm 81,1% trong tổng số công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, khiến đời sống của người lao động cũng kéo theo nhiều khó khăn như: thu nhập giảm sút, mất việc làm hoặc việc làm không thường xuyên… Đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ đã có gia đình, có con, đời sống càng thêm khó khăn, bởi họ còn phải lo cho cuộc sống, sinh hoạt của gia đình. Khi phải đối diện với khó khăn về việc khó tìm được nơi trông giữ trẻ để đi làm, nhiều lao động nữ đã phải dập tắt ước mơ tiếp tục đi làm có thu nhập, đành ở nhà trông con mà để vuột đi cơ hội việc làm của bản thân… Nhiều lao động nữ khi được hỏi về khó khăn này đều chia sẻ: kể cả cho con đi trẻ ở trường mầm non công lập thì chúng em rất khó đáp ứng về giờ giấc đưa con. Bởi công nhân các khu công nghiệp làm theo ca, có khi tăng ca đến tối, nhưng giờ đón trẻ ở trường muộn nhất là 17 giờ chiều. Bởi vậy, công nhân tại các khu công nghiệp đều có chung mong muốn: Các cấp, các ngành quan tâm, có biện pháp để giúp lao động chúng em giải quyết khó khăn về việc trông giữ trẻ sau khi hết thời gian nghỉ sinh. Nếu tại các khu công nghiệp có đông lao động mà thành lập được một điểm trường mầm non công lập thì đỡ bao nhiêu khó khăn cho những người mẹ là công nhân khu công nghiệp. Bởi chúng em sẽ đỡ đi chi phí, không lo lắng mỗi khi đến giờ đưa đón con đi- về học mà giờ tan ca của bố mẹ chưa đến…
Lý Nhân