P.V: Đồng chí cho biết một số nội dung trọng tâm Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo để đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIV sớm đi vào cuộc sống? Đ/c Đỗ Việt Anh: Ngay sau khi Đại hội XIV Công đoàn tỉnh Ninh Bình được tổ chức thành công, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung xây dựng chương trình công tác toàn khóa và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo trong năm 2013, với mục tiêu đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống ngay từ những tháng đầu, năm đầu nhiệm kỳ.
Theo đó, ngay từ đầu năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua vì sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới"; "Thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển"; "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Ninh Bình, Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012 gắn với công tác tập huấn cán bộ Công đoàn sau Đại hội, hoàn thành trong quý II năm 2013; đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các cấp Công đoàn cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, nhất là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn dịp tết Nguyên đán và trong Tháng Công nhân năm 2013; tập trung tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, thể thao trong CNVCLĐ nhân các ngày kỷ niệm của đất nước, hướng tới Hội diễn văn nghệ quần chúng CNVCLĐ năm 2013.
P.V: Tháng Công nhân năm 2013 được phát động với những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đ/c Đỗ Việt Anh: Tháng Công nhân năm 2013 được phát động từ ngày 15-4-2013 đến 30-5-2013, tập trung vào 4 chủ đề trọng tâm: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền Nghị quyết, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, truyền thống cách mạng 30-4 và Ngày Quốc tế lao động 1-5; học tập chuyên đề tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 trong CNVCLĐ, nhất là đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp và CNLĐ trong các doanh nghiệp gắn với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan tại các Công đoàn cơ sở; tổ chức các chương trình giao lưu đối thoại trong các doanh nghiệp có đông CNLĐ nhằm mục đích tuyên truyền chính sách, pháp luật, kết hợp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động và kỷ luật lao động, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ tiền xây dựng, sửa chữa nhà ở cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh khám sức khỏe cho CNLĐ nữ ở một số doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp.
P.V: Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động Công đoàn, đó là đẩy mạnh phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp có đủ điều kiện. Đồng chí cho biết một số giải pháp trọng tâm các cấp Công đoàn đã và đang triển khai để thực hiện tốt công tác này?
Đ/c Đỗ Việt Anh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2013-2018 về phát triển 10.000 đoàn viên trở lên, thành lập được Công đoàn cơ sở ở 100% doanh nghiệp có đủ điều kiện; LĐLĐ tỉnh đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2013 và cả nhiệm kỳ 2013-2018 giao cho các Công đoàn cấp trên cơ sở triển khai thực hiện; tuyên truyền đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên thành lập Công đoàn cơ sở và phát triển Đảng dịp 19-5. Quan điểm của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và có đầu tư các điều kiện, nguồn lực theo đúng phương châm "Hướng mạnh về cơ sở và vì cơ sở, vì người lao động".
- Tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo: Công văn số 1130-CV/TU ngày 8-4-2013 của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc phổ biến, tuyên truyền Luật Công đoàn năm 2012 và thực hiện đóng kinh phí Công đoàn theo đúng quy định Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 và Công văn số 77/UBND-VP6 ngày 12-4-2013 về thu kinh phí Công đoàn theo tinh thần Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức của CNLĐ, người sử dụng lao động về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn; về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đoàn viên, của người sử dụng lao động trong thực hiện Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi; về sự cần thiết có tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp để làm cầu nối giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo tốt hơn lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
- Phân công các đồng chí Thường vụ phụ trách địa bàn phải sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn, nắm tình hình tại cơ sở, đồng thời đầu tư các điều kiện về con người, tài liệu, kinh phí cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
- Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động cho người lao động trong các doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn để tạo ảnh hưởng và sức lan tỏa tác động đến các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn. Chỉ đạo các Công đoàn cấp trên chủ động làm việc với các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn để tổ chức các hoạt động cho người lao động.
- Phối hợp với các cấp, các ngành huy động các nguồn lực để thực hiện tốt hơn công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ.
P.V: Trong những năm qua, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Đồng chí cho biết một số nội dung trọng tâm của phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" được phát động trong năm 2013?
Đ/c Đỗ Việt Anh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với trên 94.464 lao động. LĐLĐ tỉnh quản lý và chỉ đạo trực tiếp 24 Công đoàn cấp trên cơ sở (8 LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, 8 Công đoàn ngành), với 987 Công đoàn cơ sở và 51.516 đoàn viên; phối hợp quản lý 36 Công đoàn cơ sở thuộc các Công đoàn ngành Trung ương.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ những năm qua đã góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2013, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ hướng về Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trong đó phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tiếp tục được phát động sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.
Phong trào luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, ổn định và phát triển.
Năm 2013, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tiếp tục được triển khai với các nội dung: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền làm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu được lợi ích của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo không chỉ đem lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị mà gắn liền với lợi ích cá nhân, làm cơ sở để đánh giá danh hiệu thi đua cuối năm để làm căn cứ đề nghị nâng lương sớm theo quy định hàng năm; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua lao động sáng tạo.
Phối hợp với chuyên môn tổ chức phát động phong trào rộng khắp, thu hút đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng tham gia phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đề xuất với chuyên môn có các hình thức hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi công tác thi đua, khen thưởng để đảm bảo thực hiện các chế độ quy định trong công tác xét duyệt và đề nghị khen thưởng kịp thời đúng quy định; nghiên cứu đưa tiêu chí phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo vào bình xét danh hiệu thi đua các đơn vị hàng năm.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Thủy (Thực hiện)