Thực hiện Công điện số 214/CĐ-TTg ngày 10-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm A H5N1 ở người. Để kịp thời phát hiện, khống chế, ngăn chặn và dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan và xảy ra dịch cúm A H5N1 ở người, Chủ tịch UBND tỉnh NInh Bình yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc Công điện số 214/CĐ-TTg ngày 10-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm A H5N1 ở người và Văn bản số 37/UBND-VP3 ngày 6-2-2009 của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, cụ thể:
1.Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn vận động nhân dân, người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT và cơ quan chuyên môn. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền và thôn xóm, ấp, bản trong phòng, chống dịch bệnh và nếu để dịch xảy ra trên địa bàn.
- Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân để mọi người hiểu biết về sự nguy hiểm của bệnh dịch này thường xuyên chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, không ăn thịt gia cầm bị bệnh, ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các hộ chăn nuôi khi có gia cầm ốm, chết phải khai báo cơ quan chuyên môn và chính quyền kịp thời để xử lý theo quy định; trường hợp có dịch phải công bố công khai dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y, áp dụng đồng bộ các biện pháp và huy động lực lượng để phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm ra ngoài ổ dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin khu vực xung quanh ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y, kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm lấy gia cầm mang đi tiêu hủy để sử dụng, gây nguy hại trực tiếp cho tính mạng người dân, sức khỏe cộng đồng và bức xúc trong dư luận.
- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy theo quy định của Nhà nước về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
2. Sở Nông nghiệp & PTNT: Hướng dẫn cụ thể các biện pháp về tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt ở các địa phương quy định không bắt buộc tiêm phòng vắc xin đối với gia cầm.
3. Sở Y tế: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát dịch tễ, kịp thời phát hiện, tích cực cứu chữa bệnh nhân, ngăn chặn không để dịch xảy ra và lây lan, sẵn sàng tiếp thu và tiêm thử nghiệm vắc xin phòng, chống dịch cúm A H5N1 cho người.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch, đưa tin kịp thời về diễn biến và nguy cơ bệnh dịch, biểu dương các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê phán nghiêm khắc những nơi chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, vi phạm pháp luật, gây nguy hại tính mạng bản thân và cộng đồng.
5. Các sở, ban, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật phối hợp các lực lượng liên ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công trong phòng, chống dịch.