Vụ đông xuân năm 2009 toàn tỉnh gieo cấy 40.725 ha lúa. Đến nay lúa trỗ khoảng 20.000 ha tập trung ở các huyện phía Bắc tỉnh. Theo báo cáo ngày 28 - 4 - 2009 của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh đã xuất hiện rải rác trên trà xuân sớm đang ở giai đoạn chín sữa đến chắc xanh và hại nặng trên giống lúa nếp, tỷ lệ hại nơi cao: 10-20% số bông (HTX Vân Trình, Lạng Phong, Nho Quan).
Trên trà xuân muộn, bệnh đang phát triển trên lá đòng, cổ lá đòng, đặc biệt trên những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, giống nhiễm như: Nếp, Bắc thơm số 7, Nhị ưu 838, D.ưu 527... Tỷ lệ bệnh trung bình: 0,7%, nơi cao: 5-7%, cá biệt: 10-15% lá đòng, cổ lá đòng (HTX Nam Lộc, Thượng Kiệm - Kim Sơn, HTX Đồng Tiến - Yên Khánh, Yên Mô...).
Trong thời gian tới, với thời tiết như hiện nay và nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát triển và gây hại rộng ở các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh nếu không phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông. Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và tổ chức phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục BVTV.
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Phòng trừ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh. Thời gian phòng trừ khi lúa thấp thó trỗ từ: 3-5%. Đối với những ruộng bị đạo ôn lá nặng phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu: Kabim 30 WP, Bump 650 WP, BeamSuper 75 WP, Fujione 40 WP, Rooksai 525 SE... Liều lượng như hướng dẫn trên bao bì (chú ý cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
- Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu bệnh khác như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy các loại và sâu đục thân để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
2. Chi cục Bảo vệ thực vật tập trung lực lượng, bố trí cán bộ (kể cả ngày nghỉ) tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến sâu bệnh, giúp các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phòng trừ kịp thời có hiệu quả. Thường xuyên báo cáo kết quả về Sở.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, không để tăng giá, bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất. Đảm bảo đủ thuốc đặc hiệu để phục vụ kịp thời.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và thực hiện.