Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ) giật cấp 15. Theo dự báo, cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm. Vùng ven biển gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Trong đất liền cấp 4, cấp 5, giật cấp 6.
Thực hiện Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình yêu cầu, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố; các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh triển khai ngay các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện Công điện số 09/CĐ-PCTT hồi 8 giờ ngày 13/9/2017 của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.
2. Nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi; Thông báo, kêu gọi các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh an toàn, không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; Tổ chức, hướng dẫn việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn tại nơi tránh trú xong trước 17 giờ ngày 14/9/2017; Tổng hợp thông tin về số lượng, phương tiện, ngư dân đã vào nơi trú ẩn báo cáo về Ban chỉ huy tỉnh.
3. Kiểm tra đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc (tạm ngừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc kể từ 7 giờ ngày 15/9/2017 đến khi bão tan).
4. Tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa các trụ sở cơ quan, kho tàng trong các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân, nhất là trên địa bàn huyện Kim Sơn, các hộ gia đình chính sách, neo đơn, hộ có nhà ở xuống cấp, không đảm bảo an toàn; bảo đảm an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân.
5. Yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản; đồng thời triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
- Huyện Kim Sơn triển khai phương án di dân đang sản xuất nuôi trồng thủy sản ở khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi và di dân ra khỏi vùng thấp trũng đến nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn cho người và tài sản xong trước 15h ngày 14/9/2017. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình xây dựng khu vực ven biển (từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi) dừng thi công, di chuyển người, phương tiện đến nơi an toàn xong trước 15 giờ ngày 14/9/2017.
- Các huyện, thành phố đặc biệt là các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, thành phố Tam Điệp tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng, khu hầm lò, các điểm khai thác khoáng sản có nguy cơ sạt lở đất, đá ra khỏi vùng nguy hiểm và đến nơi tránh trú an toàn xong trước 19 giờ ngày 14/9/2017. Chú ý phòng, chống ngập úng ở các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị; Tăng cường theo dõi diễn biến lũ trên sông Hoàng Long, sông Lạng, sông Bôi, sông Đáy và tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt.
- Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khẩn trương triển khai ngay phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa. Huy động lực lượng, hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương trâm "Xanh nhà hơn già đông"
7. Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa nước thủy lợi (đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước có nguy cơ mất an toàn, phải có biện pháp hạ thấp mực nước trong hồ, đảm bảo an toàn).
8. Đề phòng mưa lớn, yêu cầu Ban chỉ huy các huyện, thành phố phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai ngay phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa; Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện bơm tiêu úng. Viễn thông Ninh Bình đảm bảo thông tin liên lạc trước, trong và sau bão.
9. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy của tỉnh, Thủ trưởng các ngành đã phân công phụ trách huyện, thành phố khẩn trương xuống địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống đài truyền thanh các cấp tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến cơn bão số 10 và mưa lũ để các cấp chính quyền, người dân chủ động ứng phó.
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi diễn biến của bão số 10, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ huy tại các công điện trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh về công tác chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 10./.