Sáng 23/6, UBND tỉnh phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị công bố quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022, các chuyên đề lồng ghép của tỉnh Ninh Bình và rà soát các kiến nghị, kết luận kiểm toán chưa thực hiện được đến ngày 31/5/2023.
Công bố quyết định kiểm toán tại tỉnh Ninh Bình
Dự hội nghị về phía Kiểm toán Nhà nước có các đồng chí: Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí đại diện của Kiểm toán Nhà nước khu vực XI.
Về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý có liên quan.
Tai hội nghị, đại diện Kiểm toán Nhà nước đã công bố quyết định kiểm toán. Theo đó, nội dung kiểm toán gồm: Đối với ngân sách địa phương: Việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước.
Đối với Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: Công tác chỉ đạo điều hành; ban hành các văn bản; việc chấp hành pháp luật, chế độ, hướng dẫn thực hiện theo nhiệm vụ được giao; việc quản lý, sử dụng Quỹ.
Đối với Chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý: Công tác chỉ đạo điều hành; ban hành các văn bản; việc chấp hành pháp luật, chế độ, hướng dẫn thực hiện theo nhiệm vụ được giao; việc quản lý, sử dụng Quỹ.
Phạm vi kiểm toán: Đối với ngân sách địa phương là năm 2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán. Đối với các chuyên đề là giai đoạn 2020 - 2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Thời hạn kiểm toán: 60 ngày, kể từ ngày 23/6/2023.
Mục tiêu kiểm toán nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính ngân sách địa phương, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư của đơn vị được kiểm toán; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách chuyên đề kiểm toán; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng chúc mừng đồng chí Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước được phân công nhiệm vụ thay đồng chí Hà Thị Mỹ Dung để phụ trách Khu vực kiểm toán XI và thông báo những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trong năm 2022 tới lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và các thành viên trong đoàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng và điều hành ngân sách địa phương hiệu quả; thông qua kết luận kiểm toán đã giúp tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước triển khai, đặc biệt là các lĩnh vực thu, chi, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng vốn đầu tư.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có nội dung được kiểm toán cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan đảm bảo chính xác, kịp thời, nhanh chóng theo đúng yêu cầu của kiểm toán viên và đoàn công tác. Giao Sở Tài chính là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh trong suốt quá trình đoàn kiểm toán làm việc tại tỉnh.
Đồng chí Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại hội nghị.
Thay mặt Kiểm toán Nhà nước, đồng chí Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện được kiểm toán bố trí cán bộ phù hợp, xuyên suốt; bám sát nội dung quyết định kiểm toán để cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chính xác.
Đồng thời, yêu cầu từng thành viên trong đoàn kiểm toán bám sát mục tiêu, nội dung của kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt để thực hiện kiểm toán; trong quá trình kiểm toán thực hiện đầy đủ các bằng chứng kiểm toán, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, huyện được kiểm toán; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, làm việc công tâm, khách quan, không sách nhiễu, gây phiền hà cho các sở, ban, ngành, huyện được kiểm toán.