Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", ngay từ những ngày đầu, Công an tỉnh đã vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh này. Đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện toàn diện các biện pháp phòng dịch, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, định hướng dư luận. Không tổ chức các lễ hội, hoạt động vui chơi, giải trí tập trung đông người không cần thiết. Dừng, hủy tất cả các tour du lịch đối với khách du lịch là người nước ngoài đến từ vùng có dịch, đi qua vùng dịch. Chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các trường hợp đầu cơ, tăng giá các loại mặt hàng vật tư y tế; kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã vào địa bàn tỉnh...
Với vai trò, trách nhiệm được giao, Công an tỉnh đã ban hành 2 kế hoạch, 2 điện và 8 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Công an tỉnh, giao đồng chí Phó giám đốc làm trưởng ban và tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch đến 100% các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố và công an các xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, công an các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Huy động lực lượng tại các phòng chức năng thuộc Công an tỉnh trực 100% quân số và tăng cường xuống bám sát địa bàn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu du lịch, địa bàn dân cư để kịp thời nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh và phối hợp xử lý các tình huống liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt là nguồn dịch tễ như: người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh đến từ vùng dịch, người từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch về tỉnh, người trên địa bàn tỉnh lao động, học tập, công tác, du lịch tại Trung Quốc trở về địa phương để tham mưu với ngành y tế, chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp cách ly, theo dõi, giám sát. Qua công tác nắm tình hình, đã kịp thời chấn chỉnh việc cách ly, quản lý đối với công nhân là người nước ngoài tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp tham mưu giải quyết ổn định việc đình công của công nhân tại Công ty Regis-Cụm công nghiệp Đồng Phong (Nho Quan) và Công ty giày Adora Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Điệp), không để diễn biến phức tạp. Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách phòng, chống dịch để công nhân yên tâm lao động sản xuất. Xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT tại các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp FDI trước diễn biến tình hình dịch bệnh.
Trước tính chất nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh, các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố đã tiến hành khẩn cấp việc kiểm tra, rà soát số người nước ngoài; tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Công an tỉnh đã thông báo danh tính và phối hợp với các ngành chức năng tiến hành các biện pháp cách ly, theo dõi, giám sát tại các tuyến đối với 393 người nước ngoài đến từ vùng có dịch và 87 người Việt Nam theo đúng quy định. Tại các nơi cách ly, Công an tỉnh đều bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người ra, vào.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lan truyền, tung tin không đúng về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. Tính đến ngày 11/2, đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý 6 trường hợp với số tiền 25 triệu đồng; nhắc nhở yêu cầu gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm 3 trường hợp. Đồng thời, tham mưu cho Ban chỉ đạo 35 của tỉnh chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên Zalo, Facebook trong toàn tỉnh cùng tham gia tuyên truyền, định hướng về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; trao đổi với lực lượng công an những thông tin tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, phản bác các thông tin, bài viết xuyên tạc, sai sự thật, góp phần định hướng dư luận. Một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với lực lượng Công an tỉnh là công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về đầu cơ hàng hóa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu đối với các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Từ khi thực hiện phòng, chống dịch đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp xử lý hành chính 3 trường hợp về hành vi bán khẩu trang y tế cao hơn giá niêm yết và không niêm yết giá bán khẩu trang y tế, xử phạt trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chỉ sử dụng ống thổi 1 lần để đo nồng độ cồn cho lái xe, nhằm phòng tránh lây nhiễm virus.
Trong thời gian qua, để phòng, chống dịch bệnh, Công an tỉnh đã cấp phát 1 vạn khẩu trang cho cán bộ, chiến sĩ Công an trong tỉnh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ thực hiện đúng các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo phun thuốc khử trùng tại trụ sở các đơn vị, chuẩn bị vật tư y tế bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác khi dịch bệnh bùng phát.
Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống phòng, chống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất là mục tiêu đặt ra đối với Công an tỉnh. Do vậy, Đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương phải chủ động trong công tác chỉ đạo, chỉ huy; chủ động trong huy động, bố trí lực lượng; chủ động trong bố trí cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần hiện có tại chỗ của đơn vị, địa phương mình để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy ngoài sự chủ động vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, mọi người dân cũng cần nêu cao nhận thức tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình, không tụ tập đông người, đến những nơi công cộng không cần thiết; khi tiếp xúc nhiều người cần có khẩu trang và sử dụng dung dịch kháng khuẩn để tăng hiệu quả phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Kiều Ân