Công an thành phố Ninh Bình: Ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thứ Sáu, 05/01/2024, 09:20
Zalo
Thời gian qua, Công an thành phố Ninh Bình đã tích cực ứng dụng mạng xã hội nhằm phát huy chức năng là cầu nối, là công cụ, kênh thông tin tương tác nhanh chóng, thuận tiện giữa các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức với nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.
Công an thành phố Ninh Bình: Ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ông Cao Anh Trọng, Tổ trưởng Tổ an ninh phố 3, phường Đông Thành thường xuyên cập nhật thông tin của phố, phường, các văn bản của cấp trên vào nhóm Zalo của phố để nắm bắt và truyền tải thông tin chính trị, văn hóa, an ninh trật tự tới nhân dân nắm bắt kịp thời, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động của khu dân cư. Ông Cao Anh Trọng cho biết: Để giúp nhân dân phòng ngừa thông tin xấu, độc qua mạng xã hội, Tổ dân phố 3 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo an ninh mạng, phòng, chống tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo qua các hội nghị của phố, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ tự quản trên địa bàn phố; thường xuyên cập nhật thông tin tình hình an ninh trật tự trên các nhóm Zalo phố, phường; phối hợp chặt chẽ với Công an phường thông tin kịp thời tình hình an ninh trật tự, qua đó phòng ngừa, sớm giải quyết những phát sinh tại khu dân cư.
Để tạo nền móng vững chắc trong đảm bảo an ninh trật tự, Công an thành phố đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các phường, xã tham gia xây dựng, phát động phong trào "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố", tạo thế trận an ninh trật tự trên không gian mạng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về lợi ích sử dụng, ứng dụng, khai thác mạng xã hội đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, kết nối, tương tác tới từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Công an thành phố phối hợp với 26 cơ quan, đơn vị triển khai mô hình "Kết nối mạng xã hội-Vì bình yên thành phố" trên địa bàn.
Đại úy Trịnh Văn Hưng, cảnh sát khu vực Công an xã Ninh Tiến cho biết: Công an xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương để triển khai chỉ đạo, thực hiện phong trào "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố". Công an xã Ninh Tiến duy trì hoạt động trang Fanpage thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội để Nhân dân biết, cảnh giác. Công an xã cũng tăng cường, phát huy hiệu quả của nhóm Zalo trong trao đổi công việc cũng như tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tiếp nhận tin báo, phản ánh của Nhân dân về an ninh trật tự. Trong năm 2023, Công an xã Ninh Tiến đã tiếp nhận 26 tin báo về ANTT trên hệ thống nhóm Zalo. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã chỉ đạo giải quyết triệt để 26 tin báo, qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.
Công an xã Ninh Tiến tuyên truyền tổ chức, cá nhân ứng dụng mạng xã hội trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, có diện tích khoảng 48,36 km2, chiếm 3,4% diện tích của tỉnh, với 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 11 phường và 3 xã. Đi cùng với sự phát triển của kinh tế thì tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, đánh bạc qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, mua bán ma túy, hoạt động băng nhóm, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi...
Xác định sự phát triển công nghệ thông tin, nhất là Internet, mạng xã hội đã và đang trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực. Qua khảo sát trên địa bàn thành phố hiện nay, số người sử dụng điện thoại thông minh truy cập hàng ngày vào mạng xã hội chiếm tỷ lệ khá lớn (trên 65%). Để đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân chung sức cùng lực lượng Công an giữ gìn sự bình yên của thành phố. Nhóm tác giả Công an thành phố đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về "Một số giải pháp ứng dụng mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đề tài được ứng dụng thực tế tại cơ sở đã đạt hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Một trong những biện pháp nghiệp vụ mà Công an thành phố tổ chức thực hiện thành công đó là tham mưu cho Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" thành phố Ninh Bình về phong trào "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố" chỉ đạo phát động trong toàn hệ thống chính trị.
Công an thành phố Ninh Bình đã dựa trên 3 nền tảng mạng Facebook, Zalo, trang fanpage để triển khai phong trào "Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên thành phố". Đến nay đã triển khai và nhân rộng 102 trang fanpage và 1.326 nhóm Zalo phục vụ công tác tuyên truyền và phát động phong trào. Tất cả các trang fanpage của các đơn vị đều kết nối với trang fanpage của Công an thành phố. Đồng thời, trang fanpage của Công an thành phố với số người theo dõi trên 47 nghìn người đã trở thành kênh thông tin chính thống, hợp pháp, là nguồn chia sẻ thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông và fanpage của các đơn vị.
Các nhóm Zalo được duy trì thực hiện thường xuyên và là kênh trao đổi, thông tin kịp thời, hiệu quả ở tất cả các đơn vị. Việc ứng dụng mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã giúp tiết kiệm về thời gian công sức của cán bộ, công chức, viên chức, ngân sách của Nhà nước…
Từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố Ninh Bình đã tiếp nhận trên 660 tin báo tố giác, phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự, nhất là các vụ việc, đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật, đối tượng truy nã, truy tìm tài sản, phản hồi về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… Qua đó giúp lực lượng Công an nhanh chóng tiếp nhận, xác minh, kiểm tra, xử lý vụ việc, kịp thời có mặt ngăn chặn, xử lý các tình huống cấp bách; tình hình tội phạm trên địa bàn được kiềm chế, một số loại tội phạm giảm rõ rệt, hoạt động của tội phạm mang tính chất đơn lẻ, không có băng ổ nhóm hoạt động công khai, lộng hành…