Đã chục năm trôi qua mà ông Phạm Văn Lưu, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư vẫn chưa quên vụ tai nạn lao động mà ông phải trải qua. "Gia đình tôi mua một chiếc máy tuốt lúa để phục vụ bà con trong những ngày mùa. Trong lúc làm việc, do sơ ý tôi đã bị máy "nuốt" mất một cánh tay. Sức khỏe giảm sút, tôi không thể lao động nhiều như trước. Kinh tế gia đình vì vậy mà thêm phần khó khăn"- ông Lưu chia sẻ. Trên thực tế, không ít những lão nông bị tai nạn trong lao động như ông Lưu. Ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Lao động, tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê của Cục An toàn (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), lao động trong nông nghiệp là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc tai nạn lao động cao nhất, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ. Nhưng trên thực tế, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp lại chưa được quan tâm đúng mức. Cứ 100 nghìn lao động trong khu vực nông nghiệp thì có gần 800 người bị tai nạn lao động khi sử dụng điện và 850 người bị tai nạn lao động trong sử dụng máy móc. Cũng theo điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và chỉ có 19,3% có hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tai nạn trong sản xuất nông nghiệp tăng là do phần lớn lao động trong nông nghiệp chưa qua đào tạo nghề. Họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp. Người dân mua máy về tự học, tự làm, thậm chí tự chế mà không có người hướng dẫn bài bản, do vậy đã dẫn đến những tai nạn thương tâm.
Tai nạn lao động nhiều, nhưng thực tế, con số thống kê cụ thể hàng năm về tình hình bị tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp lại chưa có. Theo ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Lao động, tiền lương thì đối với khu vực công nghiệp, việc thống kê là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thực hiện theo quy định của pháp luật. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lao động chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, các trường hợp bị tai nạn lao động hầu như không có người dân khai báo nên không có con số thống kê cụ thể.
Nhằm góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bảo vệ sức khỏe cho bà con nông dân làm nông nghiệp, năm 2012, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thí điểm tại huyện Nho Quan và Kim Sơn hai khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp cho các đối tượng là thành viên Ban quản trị HTX nông nghiệp, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đội trưởng, đội phó sản xuất nông nghiệp, người nông dân trực tiếp vận hành máy cày, bừa, xay xát gạo, máy tuốt lúa, máy bơm nước… Ngay khi chương trình huấn luyện được thông báo, rất đông bà con nông dân gián tiếp hoặc trực tiếp làm những công việc nặng nhọc đều đăng ký tham gia. Tại lớp huấn luyện, ngoài được cung cấp tài liệu, người lao động còn được trang bị những kiến thức quan trọng về những yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động và các biện pháp phòng ngừa, những yếu tố có hại trong sản xuất, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại nơi làm việc theo phương pháp Wind… Kết thúc lớp huấn luyện, người lao động được tham gia diễn đàn cùng các chuyên gia để được trao đổi, giải đáp thắc mắc trong những tình huống cụ thể. Qua đánh giá, các lớp huấn luyện đã đạt được những kết quả thiết thực, được bà con hào hứng tham gia.
Tuy nhiên, sau thành công của những lớp huấn luyện thí điểm đó, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tổ chức thêm được lớp huấn luyện nào. Nguyên nhân, theo ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Lao động, tiền lương trong chương trình quốc gia về an toàn lao động không có nguồn kinh phí cho hoạt động huấn luyện an toàn cho lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, hiện nay vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm đúng mức, chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân, cũng như chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra an toàn lao động đối với nông nghiệp và nông dân còn bị bỏ ngỏ. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên.
Thực tế, lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động ở tỉnh ta. Vì vậy, để nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, thiết nghĩ đã đến lúc các ngành chức năng cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân. Về lâu dài, Nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, tránh được những tai nạn lao động trong sản xuất.
Nguyễn Hùng