Cùng đoàn Kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh tiến hành kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn một số huyện, thành phố, thị xã, chúng tôi mới có dịp được chứng kiến các bữa cơm công nhân. Khi kiểm tra tại bếp ăn tập thể của một doanh nghiệp may mặc tại thành phố Ninh Bình, thực phẩm đa phần là rau muống, người ngồi nhặt rau ngay cạnh cống nước thải, trông mất vệ sinh.
Người phụ trách bếp ăn cho biết: Bữa trưa nay thức ăn gồm rau muống luộc và trứng vịt luộc. Khi kiểm tra về giấy tờ, sổ sách theo dõi nguồn gốc thực phẩm thì đơn vị này lại không xuất trình được giấy tờ liên quan. Đến kiểm tra tại một doanh nghiệp may mặc nữa, mặc dù bếp ăn tập thể tại đơn vị này mỗi bữa trưa phục vụ hơn 300 suất ăn nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào dù được lãnh đạo Công ty cho biết là đã ký kết hợp đồng với nơi cung cấp nhưng Công ty cũng không xuất trình được giấy tờ, sổ sách chứng minh. Với mức hỗ trợ 10.000 đồng/suất ăn nên bữa cơm dành cho công nhân ở đây cũng không cải thiện hơn so với doanh nghiệp may trước: một ít đậu phụ kho với mấy miếng thịt ba chỉ, rau và cơm hoặc trứng rán… là thành một bữa ăn trưa quen thuộc hàng ngày. Mức hỗ trợ ăn trưa quá thấp khiến nhà bếp không thể xoay xở để cải thiện bữa ăn mà đành "trung thành" với các thực phẩm quen thuộc: đậu phụ, trứng, thịt lợn…
Theo các cán bộ làm công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có quy mô lớn, lĩnh vực ngành nghề hoạt động lâu năm… thì việc chuẩn bị bữa ăn cho công nhân lao động khá tốt. Ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp còn đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn nên chấp hành tốt các quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ bữa ăn ca dành cho công nhân cũng ở mức khá, vào khoảng 20.000 đồng/suất ăn nên thức ăn được thay đổi thường xuyên, đảm bảo để công nhân đủ sức khỏe, làm việc tốt. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp như vậy không nhiều. Khó khăn nhất trong việc tổ chức bữa ăn cho công nhân hiện nay là ở các cơ sở, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở may mặc. Ngoài nguyên nhân quan trọng là do khó khăn về tài chính, lý do không thể không nhắc đến là còn vì chủ doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc tái tạo sức lao động cho người lao động thông qua các bữa ăn hàng ngày. Thậm chí nhận biết rõ nhưng bỏ qua các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm chi phí…
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 300 bếp ăn tập thể với quy mô từ 70-300 suất ăn/bữa. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu các bếp ăn tập thể thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp mỗi công nhân lao động tái tạo được sức lao động, góp phần làm tăng năng suất, hiệu quả lao động.
Tuy nhiên, nếu các bữa ăn không được quan tâm sẽ dẫn đến việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng làm việc của người lao động. Chưa kể, nếu không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể rất dễ có thể xảy ra…
Để nâng cao chất lượng mỗi bữa ăn cho công nhân lao động, cùng với sự quan tâm của chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cần phải lên tiếng để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Lý Nhân