Năm 2008, cùng với nhiều giải thưởng như: "Thương hiệu mạnh Việt Nam", "Sao vàng đất Việt", "Thương hiệu xanh bền vững"..., Công ty còn vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng cờ thi đua xuất sắc về công tác AT-VSLĐ (giai đoạn 2007-2008).
Nhân dịp Tuần lễ quốc gia về "An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ" lần thứ 11 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động (diễn ra từ ngày 15 đến 21-3-2009), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình để hiểu hơn về công tác này.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác AT - VSLĐ của Công ty trong thời gian qua?
Ông Phạm Mạnh Ninh: Những năm qua, thực hiện phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động" do LĐLĐ tỉnh phát động, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đã thường xuyên duy trì và phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân lao động (CNLĐ) tham gia. Do đặc điểm về công nghệ sản xuất phân lân nung chảy, nếu thực hiện các quy định về quản lý môi trường, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh lao động không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của CNLĐ và môi trường xung quanh. Vì vậy, một trong những vấn đề được Công ty quan tâm, chú trọng hàng đầu đó là tăng sản lượng sản phẩm phải gắn với đảm bảo AT-VSLĐ.
Công nhân Công ty TNHH may Đài Loan. Ảnh: Phạm Trường
Công ty đã không ngừng đầu tư, cải tạo các trang thiết bị tiên tiến như: Xây dựng công trình phun sữa vôi xử lý khí lò cao; hệ thống bể lắng lọc nước thải có chất thải rắn; các hệ thống hút bụi và xử lý thu hồi bụi. Các thiết bị cơ giới cải thiện điều kiện lao động nặng nhọc cho CNLĐ như: Máy bốc xếp hàng hóa, phương tiện vận chuyển sản phẩm… Công tác AT-VSLĐ đã trở thành phong trào, được đông đảo lao động tích cực tham gia hưởng ứng, tiêu biểu là các hoạt động: "Thi đua lao động sáng tạo", phong trào "Xanh- sạch - đẹp, đảm bảo AT-VSLĐ"... Nhiều biện pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng vào thực tế, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo AT-VSLĐ. Số vụ tai nạn lao động những năm gần đây đã giảm nhiều và không có vụ nghiêm trọng (năm 2008, Công ty có 1 vụ tai nạn lao động, giảm 3 vụ so với năm 2007).
P.V: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo AT-VSLĐ, phòng, chống cháy nổ của đơn vị mình?
Ông Phạm Mạnh Ninh: Để đạt được những yêu cầu về đảm bảo AT-VSLĐ, phòng, chống cháy nổ, Công ty đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động (gồm 6 thành viên), phân công rõ trách nhiệm cho từng người; củng cố, kiện toàn và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các tổ sản xuất. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ trong Công ty chấp hành tốt các quy định về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ. Phối hợp với ngành hữu quan làm tốt công tác huấn luyện AT-VSLĐ cho người lao động. Xây dựng Trạm y tế đủ điều kiện để khám, chữa bệnh thông thường và cấp cứu cho CNLĐ khi có tai nạn xảy ra. Trong nhiều năm qua, Công ty đã tập trung thực hiện việc cải tạo mặt bằng, nâng cấp khu làm việc, nhà xưởng, kho dự trữ, tạo cảnh quan, môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp và an toàn cho người lao động. Đồng thời giành một phần kinh phí thỏa đáng cho công tác bảo hộ lao động (BHLĐ).
Chỉ tính riêng trong năm 2008, Công ty đã chi 1,7 tỷ đồng cho công tác BHLĐ, đảm bảo người lao động được cấp phát đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân, phù hợp với từng vị trí làm việc, bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định, mỗi năm 1 lần. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm quy trình an toàn lao động. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà khi người lao động ốm đau, gặp rủi ro, góp phần quan tâm, khuyến khích cán bộ, CNV yên tâm, hăng hái thi đua lao động sản xuất đạt kết quả cao, xây dựng Công ty ngày một xanh, sạch, đẹp và phát triển vững mạnh.
P.V: Thời gian qua, việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn do nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu biết về Luật Lao động, Luật BHLĐ chưa được đầy đủ nên việc chấp hành Luật còn hạn chế. Theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Ông Phạm Mạnh Ninh: Qua điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho thấy, có tới 90% là do ý thức người lao động về thực hiện quy trình, kỹ thuật an toàn chưa cao như: Không đội mũ bảo hộ khi lao động, sơ ý va quệt vào băng tải, không đeo kính bảo hộ, vận hành thiết bị chưa đúng quy trình... Việc nhấn mạnh "Đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội" trong Tuần lễ quốc gia về "AT-VSLĐ, phòng, chống cháy nổ" đã một lần nữa khẳng định trách nhiệm không chỉ của chủ doanh nghiệp, người lao động mà còn là trách nhiệm của ngành hữu quan và toàn xã hội. Trong đó, ý thức của con người là yếu tốt quyết định. Coi trọng công tác an toàn vệ sinh lao động không chỉ góp phần phát triển sản xuất bền vững mà còn là thước đo giá trị đạo đức kinh doanh của mỗi doanh nhân. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục, vận động công nhân, người chủ sử dụng lao động chấp hành nghiêm Luật Lao động.
Đinh Ngọc (Thực hiện)