Bởi thành tích của Đồng Khánh Linh, Nguyễn Hồng Ngọc tuy rất xuất sắc song từ trước tới nay vẫn chỉ đóng khung trong các giải trẻ, dù là cả ở tầm thế giới. Do vậy khao khát một tấm huy chương của Đại hội không chỉ có ý nghĩa là dầy thêm bộ sưu tập mà còn có ý nghĩa khẳng định tài năng của họ. Linh và Ngọc đã thực sự trưởng thành, tài năng của hộ đã tới độ chín chứ không chỉ mãi mãi ở dạng "tiềm năng" với vô vàn những tấm huy chương giải trẻ, giải mở rộng.
Tại Đại hội lần này, Linh và Ngọc tuy cùng bước sang tuổi 18 song việc so tài tại đấu trường danh giá này lại không phân độ tuổi. Điều đó có nghĩa là hai kỳ thủ trẻ của Ninh Bình trên thực tế đã phải đấu với rất nhiều tuyển thủ kỳ cựu của các đoàn khác. Các tuyển thủ này không chỉ nhiều hơn tuổi Linh, Ngọc mà còn rất tài năng và dày dạn kinh nghiệm thi đấu, nhất là các giải Đại hội TDTT toàn quốc. Trong một cuộc đấu như vậy rất khó để nói trước được điều gì, đó là chưa kể Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII chẳng có đối thủ nào đến đây chỉ để học hỏi, mà điều họ muốn là những chiến thắng. Vì vậy, tấm huy chương mà Đồng Khánh Linh và Nguyễn Hồng Ngọc giành được không hề là ngẫu nhiên, chẳng dễ dàng mà phải đổi bằng bao nhiều mồ hôi và nước mắt của cô trò huấn luyện viên Phạm Thị Bích Diệp.
Và ngay cả loạt trận cuối cùng khi điểm số những ván đấu này sẽ quyết định màu của tấm huy chương cũng là ván đấu để đời với Đồng Khánh Linh và Nguyễn Hồng Ngọc. Bởi đối thủ của họ là hai cái tên cũng nổi tiếng không kém gì họ. Trong khi Linh phải đấu trí với Kim Phụng thì Ngọc so tài với Nguyễn Mai Hưng. Cặp kỳ thủ của Bắc Giang này vốn là những cái tên khá quen thuộc với Linh và Ngọc ở đội tuyển trẻ Quốc gia. Những tấm huy chương mà họ giành được có khi còn nhiều hơn cả Linh và Ngọc. Và còn một điều quan trọng khác là Kim Phụng, Mai Hưng từng không ít hơn một lần giành huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc. Cho nên khi hai kỳ thủ trẻ Ninh Bình vào tới loạt trận đấu cuối gặp hai danh thủ Bắc Giang, các huấn luyện viên Ninh Bình không khỏi lo lắng. Xác suất chiến thắng chỉ là 50/50.
Trong khi Kim Phụng, Mai Hưng rất "già giơ" thì với Linh, Ngọc lần đầu phải đấu trí với các đàn chị ở một giải mà họ hoàn toàn không có ý định nhường nhịn. Có lẽ chỉ có thể lý giải chiến thắng của Linh, Ngọc ngoài vấn đề tài năng thì họ còn có một chút lợi thế tâm lý. Bởi trong khi Mai Hưng, Kim Phụng ở "cửa trên" nên chịu áp lực tâm lý buộc phải thắng, thì Khánh Linh, Hồng Ngọc áp lực có phần nhẹ nhàng hơn. Tất nhiên đó là ở trận gặp hai kỳ thủ Bắc Giang, chứ thực tế những ván đấu tại đấu trường Đại hội chẳng dễ chịu chút nào. Nhất là cờ vua lại là môn địa phương nào cũng có đội tuyển và từ xưa vận động viên của các trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh luôn "làm mưa làm gió" tại đấu trường quốc nội, có rất ít cơ hội cho các tỉnh nhỏ, với điều kiện kinh phí còn khiêm tốn.
Với 1 tấm huy chương vàng đôi nữ, thành tích của Nguyễn Hồng Ngọc, Đồng Khánh Linh không những đã đánh dấu việc môn cờ vua về đích đúng hẹn mà còn góp phần cùng với các môn Cử tạ (2 huy chương vàng), Karatedo (2 huy chương vàng), vật (1 huy chương vàng), judo (1 huy chương vàng), góp phần quyết định vào sự thành công của đoàn thể thao Ninh Bình tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.
Bài, ảnh: Phương Nam