Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều nghiêm túc thực hiện quy định của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh, tích cực tuyên truyền cho các tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Những ngày thứ 7, chủ nhật là ngày lễ cuối tuần đối với đồng bào theo đạo Công giáo và ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, là ngày người dân thường đi lễ chùa theo tín ngưỡng truyền thống người Việt, nhưng quan sát tại một số nhà thờ và đền chùa, người dân đã nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng chống dịch. Tại các nơi này, không khí trang nghiêm, tĩnh tại, mỗi người đến đều thực hiện các nghi lễ nhanh, gọn, đặc biệt không hề có tình trạng tập trung đông người.
Tại chùa Trạm, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), sáng ngày mùng 1 tháng 5 âm lịch, người dân đến thắp hương tại chùa không nhiều. Tất cả đều thực hiện sát khuẩn tay kỹ trước khi vào lễ, đeo khẩu trang đầy đủ và làm các thủ tục lễ cũng nhanh, gọn hơn.
Bà Trần Thị Thu, phố Chu Văn An, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Đã thành thói quen, mùng 1 hàng tháng, chúng tôi đều đến chùa cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình. Bình thường, nếu vào ngày nghỉ, có khi cả gia đình tôi cùng đi, nhưng hiện dịch bệnh phức tạp và nhiều nguy cơ, nên chỉ mình tôi đi, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch và nhanh chóng ra về. Tôi cũng không gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi với những người hàng xóm, người trông coi nhà chùa như trước...
Sư cụ Thích Đàm Tiến, trụ trì chùa Mía, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) cho biết: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của BCĐ phòng chống dịch các cấp, hơn nữa, nhận thấy sự cần thiết phải cùng cả nước, toàn xã hội phòng chống đại dịch nguy hiểm, chúng tôi thông báo cho các phật tử gần xa khi đến chùa phải đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế.
"Nếu cần thiết phải có các hoạt động tụng kinh thì ngồi giãn cách, không tập trung đông người, đi đâu cũng phải đeo khẩu trang. Hơn nữa, cần thiết lắm thì mới đến chùa, không thì ở nhà tu tập, bởi việc tu là trong tâm. Đối với việc tu tập đạo tràng hàng tháng, nhà chùa cũng dừng nghỉ. Hàng ngày, tại chùa chỉ có vài phật tử, thực hiện tụng kinh cầu cho quốc thái dân an, cho đất nước hòa bình, cầu mong đại dịch COVID-19 qua nhanh..." - Trụ trì chùa Mía khẳng định.
Đối với các nhà thờ, giáo xứ, người dân theo đạo Công giáo cũng được tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch khi đến nhà thờ. Ông Trần Đình Chiến, Trùm Chánh giáo họ Trị sở, Nhà thờ Giáo xứ Ninh Bình cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đợt 4, Nhà thờ Giáo xứ Ninh Bình đã hướng dẫn, thực hiện các giờ lễ theo khung giờ từ 5-6 tiếng 1 lễ, khuyến khích những ai đã đi lễ 1 buổi rồi thì hôm sau để người khác đi...
Việc giãn cách trong nhà thờ cũng được mọi người thực hiện nghiêm. Tất cả đều phải ngồi giãn cách, cách một ghế ngồi 1 ghế để các giờ lễ đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng, chống COVID-19. Trong những dịp này, các cha xứ cũng thông báo các lớp học giáo lý hôn nhân, các cháu rửa tội tạm hoãn chưa làm, đợi khi nào dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục thực hiện...
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 400 chùa lớn, nhỏ, với trên 400 tăng ni và hàng trăm nghìn phật tử. Cùng với đó, toàn tỉnh có 79 giáo xứ, 365 giáo họ, với hơn 16 nghìn người công giáo. Nhờ công tác tuyên truyền, các chức sắc, chức việc, các tín đồ, phật tử đã nhận thức rõ về tính chất nguy hại và cách phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, từ đó thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan y tế địa phương, kịp thời thông tin các trường hợp liên quan, nghi nhiễm bệnh để có phương án cách ly, theo dõi sức khỏe. Đồng thời, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng tạm dừng tổ chức lễ hội, các khóa tu tập, không tổ chức các hoạt động lễ tập trung đông người, bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: Huy Hoàng