Năm nay tròn 35 tuổi thì có đến 15 năm bệnh nhân Lê Thị Thảo sống ở Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô. Tôi có dịp trò chuyện với Thảo khi cùng đoàn thiện nguyện đến tặng quà Trung tâm nhân dịp Tết Trung thu. Cầm cặp bánh trong tay với niềm xúc động, Thảo đưa cho tôi một chiếc rồi bảo: chị mang về cho cháu, em chỉ ăn một cái này thôi.
Bằng một giọng nhỏ nhẹ, lối nói chuyện dí dỏm như bao người bình thường khác, Thảo kể cho tôi nghe về "thành tích" của em khi ở cùng gia đình. Thảo không nhớ nổi đã đánh người thân đến độ "sứt đầu, mẻ trán" gẫy chân, gẫy tay bao nhiêu lần, không thể nhớ nổi đã đập phá bao nhiêu đồ đạc trong nhà, không thể nhớ nổi những ánh mắt sợ hãi của người thân, hàng xóm nhìn mỗi khi em lên cơn kích động.... Nhưng Thảo nhớ chắc chắn rằng, Thảo vào ngôi nhà này khi em vừa tròn 20 tuổi. Thảo nhớ là bởi với Thảo, khi vào đây em đã có một cuộc sống hoàn toàn mới kể từ đó.
Ở Trung tâm, Thảo được thấy có rất nhiều hoàn cảnh giống như mình, thậm chí còn nặng hơn mình, khổ hơn mình. Như nhiều bệnh nhân khác, Thảo được Trung tâm chăm sóc rất đặc biệt. Tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị, bệnh tình của Thảo suy giảm. Những cơn kích động thưa dần. Đa số thời gian trong quãng đời ấy, Thảo sống như người bình thường với đủ mọi cảm xúc buồn, vui. Bố mẹ nhớ Thảo, thỉnh thoảng có lên thăm. Những dịp lễ, Tết, Thảo cũng được gia đình đón về sum họp.
"Nhưng có được về với gia đình thì em cũng chỉ ở một ngày thôi là đã nhớ các cán bộ, bác sĩ và bạn bè ở Trung tâm rồi. Có thời gian bệnh tình được kiểm soát, gia đình muốn đón em về nhưng em không đồng ý. Với em, Trung tâm mới thực sự là ngôi nhà của em, vì em có thể sống thoải mái, không lo lắng làm tổn thương ai, cũng không phải sợ ai sẽ làm tổn thương mình. Em còn quá trẻ để nói về cuộc sống trong tương lai xa hơn. Nhưng trước mắt em vẫn muốn ở đây.."- Thảo nói.
Hai từ "gia đình" đối với nữ bệnh nhân Phạm Thị Vân, quê ở thành phố Tam Điệp lại là hai từ gợi về ký ức đau thương mà bà muốn quên nhất. 68 tuổi, cũng có lúc nhớ, lúc quên, nhưng nỗi đau ngày chồng bà bỏ đi theo người phụ nữ khác, ngày đứa con duy nhất cũng bỏ bà về nơi vĩnh hằng, đã đeo đẳng theo bà suốt tháng năm qua.
Bà phát bệnh và được đưa vào Trung tâm từ khi nào, bà Vân không còn nhớ rõ nữa. Chỉ biết rằng, đó là những ngày bà triền miên chìm trong đau khổ, điên dại. Giờ, bệnh tình của bà thuyên giảm nhiều. Bà Vân vẫn nhớ từng chi tiết trong ngôi nhà cũ, nhưng bà không muốn về đó nữa, bà sợ phải đối diện với những câu chuyện gợi lại từ quá khứ. Ở đây, bà đang được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực. Bà cũng được gặp gỡ, an ủi những người bạn giống và gần giống như mình... "Vết thương" của bà đã lên da non.
Hiện nay, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô đang chăm sóc, điều trị cho 260 người bị tâm thần nặng, trong đó chủ yếu là các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa. Ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Ở Trung tâm có 59 bệnh nhân trên 60 tuổi, người cao tuổi nhất cũng đã ngoài 70. Trong đó có nhiều người đã gắn bó gần cả cuộc người với Trung tâm.
Những năm qua, bằng trách nhiệm của người thầy thuốc, bằng tình yêu thương đồng loại, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sức khỏe người bệnh không ngừng được cải thiện, nhiều bệnh nhân hồi phục tốt. Không chỉ là nơi điều trị, mang lại cho người bệnh cơ hội được trở lại người bình thường, hòa nhập với cuộc sống để Trung tâm là ngôi nhà cho bệnh nhân gửi gắm cuộc đời, mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều cố gắng là người thân mà bệnh nhân tin tưởng, yêu thương.
Chị Nguyễn Thị Thu Cúc là một trong những nhân viên trẻ nhất của Trung tâm. Chị cho rằng, khi vào làm việc tại Trung tâm, tiếp xúc với những người "khổ nhất trong những người khốn khổ" thì ngay cả những người trẻ cũng không còn sự e dè, sợ hãi, nề hà gì nữa. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết sức để cải thiện phần nào sức khỏe cho người bệnh. Họ không có người thân ruột thịt ở bên, vì vậy chúng tôi chính là gia đình của họ.
Các điều dưỡng nữ tận tay chăm sóc cho người bệnh từng bữa ăn, giấc ngủ, rồi tắm giặt, cắt tóc…. Đối với những điều dưỡng trẻ, nỗi vất vả còn tăng gấp đôi bởi các chị còn gánh trên vai trách nhiệm với gia đình, con cái. Nhưng với lòng yêu nghề, tình yêu thương đồng loại, ai cũng quyết tâm gắn bó với hơn 200 mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm này.
Đào Hằng - Minh Quang