Một thời gắn bó keo sơn Năm 1976, ông Hoàng Xuân Khuyên (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) là một trong những người được Ủy ban kế hoạch Nhà nước cử tăng cường cho UBKH tỉnh Minh Hải với nhiệm vụ làm kế hoạch năm 1977 và phương hướng kế hoạch 5 năm; giúp đỡ bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tỉnh Minh Hải.
Ông Hoàng Xuân Khuyên nhớ lại: Năm ấy, tôi đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh Hà Nam Ninh, được giao nhiệm vụ làm công tác biệt phái tại tỉnh Minh Hải với chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh.
Bất ngờ lớn với tôi là khi vào trong đó đã thấy một ngôi trường THCS mang tên Ninh Bình. Điều này làm tôi rất xúc động, bởi với những người con xa quê, nghe hai tiếng Ninh Bình thân thương trên đất bạn thì cảm giác nhớ nhà, nhớ quê cũng vơi đi ít nhiều.
Một thuận lợi căn bản giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, đó là đi đến đâu, ở thành thị hay tận các chòm, ấp xa xôi, mỗi khi nhắc tới người Ninh Bình thì dường như mình đã trở thành người nhà của đồng bào Minh Hải.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn được làm việc trong môi trường đoàn kết, đầy tình thân. Có được điều ấy là bởi trước đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người con ưu tú của Ninh Bình đã ngày đêm sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Tây chiến đấu, hi sinh để bảo vệ từng sải biển, tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Không những vậy, trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế… đều có sự góp sức của người Ninh Bình. Cứ thế, tình cảm đoàn kết keo sơn của những người con đất Cố đô đã ngấm dần, hòa vào với tình cảm của đồng bào Minh Hải.
Ở nơi này, dường như không còn khoảng cách giữa lạ và quen, giữa người miền Bắc và người miền Nam, thay vào đó là sự chung lưng đấu cật của những người con dân Việt để bảo vệ, xây dựng và kiến thiến quê hương, đất nước.
Là người trực tiếp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, ông Hoàng Xuân Khuyên đã phát hiện, đánh giá và tổng kết được 3 thế mạnh của Minh Hải lúc bấy giờ, đó là: Lúa, rừng và biển. Ông đã tham mưu với Tỉnh ủy Minh Hải xây dựng chiến lược phát triển trong 5 năm (1976- 1980) dựa vào 3 thế mạnh nói trên.
Với phát hiện tinh tế đó, ông Hoàng Xuân Khuyên vinh dự được giao trọng trách làm thư ký tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Minh Hải lần thứ I, nhiệm kỳ (1976-1980). Kế hoạch 5 năm (1976-1980) được triển khai và thực hiện hiệu quả, thu được nhiều thắng lợi, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, giúp người Minh Hải làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Kỷ niệm về Bạc Liêu, về những con người miền Tây đối với ông Trịnh Quang Trạm (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) là những tháng ngày công tác tại sở Thủy lợi Minh Hải.
Năm 1979, ông Trịnh Quang Trạm (Phó Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Nam Ninh) cùng đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh do đồng chí Tạ Quang làm trưởng đoàn vào Minh Hải để giúp đỡ tỉnh bạn.
Ông Trạm bồi hồi nhớ lại: Lúc đầu nhận nhiệm vụ, gia đình tôi rất băn khoăn vì 5 đứa con còn nhỏ (đứa lớn bắt đầu vào đại học, còn đứa út mới 11 tuổi). Tuy nhiên, khi vào đến nơi, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh bạn quan tâm giúp đỡ, tôi và các đồng nghiệp ai nấy cũng yên tâm.
Hồi đó, chiến tranh vừa kết thúc, người Bạc Liêu vừa bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa xóa nghèo nàn, lạc hậu, vừa đấu tranh với các thế lực thù địch, tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền nên rất khó khăn, phức tạp. Trong khi đó các công trình hạ tầng cơ sở, nhất là về thủy lợi còn yếu kém và sơ khai.
Đặc thù sông nước của Minh Hải khác rất nhiều so với miền Bắc XHCN. Ở miền Bắc là nhật triều nhưng ở đây là bán nhật triều. Dòng triều lại không ổn định, hệ thống sông ngòi chặng chịt và rộng lớn, đặc biệt, vào mùa khô (tháng 10 đến tháng 4) khí hậu hanh khô, nguy cơ cháy rừng rất cao, kéo theo đó nước mặn xâm nhập rất nhanh và sâu…
Đó là khó khăn không nhỏ mà những kỹ sư thủy lợi như ông Trạm phải đối mặt. Nếu không có sự quan sát tỷ mỷ, nghiên cứu kỹ lưỡng và sáng tạo thì khó có thể làm được thủy lợi.
5 năm gắn bó với Minh Hải (1979-1984), ông Trạm nắm rõ từng địa bàn huyện lị, hiểu từng con nước thủy triều lên- xuống nên đã giúp ông và đồng nghiệp rất nhiều trong việc quy hoạch các công trình thủy lợi của tỉnh.
Trong 5 năm, trên cương vị là Phó Giám đốc sở Thủy lợi Minh Hải, kiêm Giám đốc Xí nghiệp khảo sát thiết kế, ông Trịnh Quang Trạm và các kỹ sư miền Tây đã cùng nhau xây dựng và làm được nhiều công trình thủy lợi quan trọng như: đắp được đê phía Đông (năm 1980), bảo vệ cho vùng sản xuất của thị xã Bạc Liêu và huyện Đông Hải; đắp đê phía Tây (năm 1983), bảo vệ huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Ngọc Hiển; đắp đê bao quanh rừng U Minh dài 80 km để chứa nước ngọt, giải quyết nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất cho toàn bộ phía Tây và tạo nguồn nước giúp chữa cháy cho rừng U Minh khi có sự cố xảy ra; nạo vét một số kênh chính như: Hòa Bình, Cà Mâu, Bẩy Háp…
Cũng trong quá trình công tác, nhận thấy đặc điểm con nước ở đây là bán nhật triều và lợi dụng biên độ thủy triều lớn (ở miền Đông) và nhỏ (ở miền Tây), ông Trịnh Quang Trạm và các đồng nghiệp đã đề xuất quy hoạch đưa nước nội đồng từ miền Tây đi về miền Đông…
Nhiều công trình thủy lợi ở Minh Hải đã được xây dựng bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư tâm huyết với nghề, tâm huyết với mảnh đất mà theo ông Trạm đó là quê hương thứ hai của những người con Ninh Bình.
Các công trình thủy lợi đã đem lại lợi ích nhiều mặt cho đồng bào Minh Hải mà đến nay nó vẫn còn ghi đậm dấu ấn. Với những đóng góp trong quá trình công tác, ông Trịnh Quang Trạm đã vinh dự được UBND tỉnh Minh Hải tặng Bằng khen, 3 lần được phong tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua.
Gửi về nơi cuối đất
Gắn bó với đất và người Bạc Liêu một khoảng thời gian không dài nhưng chắc hẳn cũng đủ cho những người như ông Khuyên, ông Trạm và những người con ưu tú khác của miền đất Cố đô Hoa Lư để lại nhiều tình cảm tốt đẹp với miền đất mà họ đã đi qua.
Và ngược lại, với ông Trạm, ông Khuyên thì nhắc tới Bạc Liêu, Minh Hải là nhắc tới một phần của nhiệt huyết trái tim, bởi "Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".
Ông Khuyên bảo rằng, người Bạc Liêu mang đậm phong cách của người miền Tây: chất phác, cần cù, mộc mạc, thẳng thắn và dản dị; cán bộ có tinh thần cầu thị, ham học hỏi và cũng đầy sáng tạo.
"Tôi làm việc ở đó một khoảng thời gian không nhiều, chỉ một năm thôi (1976-1977) nhưng với sự giúp đỡ đậm tình kết nghĩa anh em của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của đồng bào đã giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có thể nói, đất và người Minh Hải đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai".
Một điều ông Khuyên phấn khởi, tự hào đó là câu thơ "Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình/Keo sơn gắn bó thắm tình Bắc- Nam" giờ đã không còn là khẩu hiệu nữa mà nó đã trở thành phương châm hành động của nhiều người.
Ông nói: Năm 2003, khi tôi vào thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Hội khuyến học của Hội đồng hương Ninh Bình, tình cờ gặp ông Mười Kỷ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải) hiện đang sinh sống tại thành phố. Ông Mười Kỷ đã ngay lập tức xin vào Hội khuyến học đồng hương Ninh Bình. Ông Mười Kỷ nói rằng, Bạc Liêu kết nghĩa với Ninh Bình, như vậy đương nhiên ông cũng là người con của đất Cố đô Hoa Lư lịch sử…
Đã 53 năm trôi qua kể từ ngày Ninh Bình kết nghĩa với Bạc Liêu, nhưng tình cảm keo sơn gắn bó vẫn luôn được cán bộ, nhân dân hai tỉnh gìn giữ, phát huy. Ông Trạm cho biết: Sau ngày trở về miền Bắc, tôi có quay trở lại Bạc Liêu 2 lần (năm 1985 và năm 1996).
Mỗi lần trở về Bạc Liêu, lần nào cũng đem lại cho tôi những cảm xúc mới lạ. Đó là cảm xúc bồi hồi khi gặp lại những người đồng chí, đồng nghiệp cũ và cảm xúc về sự đổi thay diệu kỳ của quê hương miền Tây. Những người bạn Bạc Liêu đã đón tiếp chúng tôi bằng tình cảm nồng nàn như đón người thân đi xa lâu ngày trở lại.
Bây giờ Bạc Liêu đã khác xưa rất nhiều, ở đó những con đê ngăn sông, đắp đập giờ đã là những con đường trải nhựa thênh thang, tỏa đi khắp miền; những mái nhà xưa kia được dựng bằng cây tràm giờ đã được thay bằng những tòa nhà cao ốc…
Trò chuyện với chúng tôi, người kỹ sư già Trịnh Quang Trạm không quên nhắc đi nhắc lại điều mình trăn trở là làm thế nào để vùng đất Minh Hải xưa (Bạc Liêu ngày nay) phát triển thủy sản bền vững. Muốn vậy phải có được những con đê ngăn mặn xâm nhập một cách hiệu quả- điều mà cách đây gần 30 năm ông Trạm và các đồng nghiệp chưa có điều kiện để thực hiện. Trăn trở đó chắc rằng sẽ được những người Bạc Liêu hôm nay sớm khắc phục…
Gửi về nơi cuối đất mẹ thân thương bao kỷ niệm khó phai, bao trăn trở vẫn còn ấp ủ, ông Trạm, ông Khuyên và nhiều người Ninh Bình mong muốn tình kết nghĩa keo sơn ngày càng bền chặt, mong muốn được trở lại Bạc Liêu để thăm vùng đất mà mình đã từng công tác, đó cũng là ước nguyện của nhiều người con Cố đô có một thời gắn bó với "xứ cơ cầu"…
Đinh Ngọc