Sau hai vòng bỏ phiếu, cựu Thủ tướng Ma-li I.B.Kết-ta đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống và đối thủ của ông thừa nhận thất bại. Kết quả này mở đường cho việc thành lập chính phủ dân chủ ở Ma-li, tạo điều kiện để quân đội Pháp rút quân, tiến tới thiết lập một nền hòa bình lâu dài tại quốc gia Tây Phi này.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Ma-li đã diễn ra suôn sẻ, bất chấp các phần tử Hồi giáo cực đoan đe dọa phá hoại. Ðây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau vụ đảo chính ở nước này hồi tháng 3 năm ngoái, được coi là bước ngoặt nhằm tiến tới hòa bình và ổn định ở Ma-li, sau thời gian dài rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc và xung đột. Pháp mong muốn Ma-li bầu được tổng thống mới nhằm khôi phục thể chế dân chủ, tạo điều kiện để quân đội Pháp rút dần khỏi nước này sau khi can thiệp hồi tháng 1 năm nay. Hiện khoảng 3.000 binh sĩ Pháp đóng tại Ma-li và đang được thay thế dần bằng phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ gồm 12 nghìn binh sĩ. Thành công của cuộc bầu cử sẽ giúp Ma-li tiếp cận khoản viện trợ phát triển quốc tế trị giá bốn tỷ USD nhằm tái thiết đất nước sau chiến tranh. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ Ma-li sau khi chính phủ dân chủ được bầu. Nhiệm vụ đầu tiên của tổng thống mới là phải nhanh chóng củng cố lực lượng, nhất là sau khi quân đội Pháp rút quân, đồng thời tiến hành đàm phán với người sắc tộc Tua-rếch đang muốn đòi quyền tự trị rộng rãi hơn ở phía bắc. Ông Kết-ta cho biết, ưu tiên hàng đầu là sẽ bảo đảm một nền hòa bình lâu dài cho miền bắc Ma-li, nơi vốn bị tàn phá bởi năm cuộc nổi dậy đẫm máu kể từ khi nước này giành độc lập năm 1960. Ông cam kết sẽ đàm phán với tất cả các sắc tộc ở miền bắc Ma-li, gồm người châu Phi da đen, người A-rập và người Tua-rếch. Tuy nhiên, vị tổng thống mới ở Ma-li sẽ phải đối mặt không ít thách thức khi vẫn còn mâu thuẫn âm ỉ giữa các tộc người. Người Tua-rếch cáo buộc chính phủ ở miền nam gạt họ ra bên lề. Thái độ thù địch của người dân ở khu vực Ki-đan đã dẫn tới tỷ lệ đi bầu thấp trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Phần lớn dân cư ở đây vẫn muốn ly khai. Người Tua-rếch cho rằng cuộc bầu cử sẽ không đem lại hòa bình lâu dài nếu tổng thống mới không trao cho họ quyền tự do hơn.
Kể từ khi Ma-li giành độc lập, người dân ở khu vực sa mạc Ki-đan thuộc vùng đông bắc hoang vắng đã tiến hành bốn cuộc nổi dậy. Người Tua-rếch cáo buộc chính phủ của người da đen ở miền nam loại họ ra khỏi hệ thống quyền lực. Cuộc nổi dậy của người Tua-rếch năm ngoái xuất phát từ các cáo buộc chính phủ trung ương vi phạm hiệp ước hòa bình ký năm 2006 về phát triển khu vực này. Chính thất bại của Tổng thống lúc đó là T.Tu-rê trong việc đối phó lực lượng nổi dậy đã tạo điều kiện cho cuộc đảo chính quân sự ở Thủ đô Ba-ma-cô tháng 3-2012. Bất ổn chính trị đã khiến các tay súng Hồi giáo lợi dụng để chiếm giữ hai phần ba miền bắc Ma-li, nơi chúng áp đặt các hình thức bạo lực của luật Hồi giáo hà khắc sharia. Lực lượng Hồi giáo cực đoan có quan hệ với các phần tử An Kê-đa đã tiếp tay cho khủng bố mở rộng địa bàn hoạt động ở Ma-li cũng như khu vực Tây Phi. Vì vậy, việc lập lại an ninh không chỉ liên quan miền bắc. Nếu không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, hang ổ khủng bố sẽ tiếp tục tồn tại.
Theo các nhà quan sát, Ma-li sẽ khó có thể đối phó tình trạng mất ổn định cả về chính trị lẫn kinh tế nếu không có một chính phủ đáng tin cậy, đồng thời phải tiến hành hòa giải dân tộc. Với hàng loạt khó khăn trước mắt trong công cuộc tái thiết đất nước sau thời gian dài khủng hoảng, Tổng thống mới ở Ma-li sẽ phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề và con đường chuyển tiếp dân chủ nhằm tiến tới hòa bình, ổn định lâu dài ở Ma-li còn đầy chông gai.
Theo nhandan.com.vn