Chị Nguyễn Thị Thoi, mẹ Tâm cho biết: Năm Tâm mới được 6 tuổi, bố em đột ngột qua đời do mắc bệnh lao, từ đó một mình chị vất vả chèo chống nuôi 4 chị em Tâm ăn học. Nhà nông, hết mùa vụ, chị Thoi lại tất tả với việc làm thuê, cuốc mướn. Ai thuê gì, chị làm nấy, chị ngược xuôi cấy thuê, gặt thuê tận Kim Sơn, gấp bao bì bụi bặm, làm cả việc nặng nhọc của đàn ông là đổ bê tông ống cống với mong muốn kiếm thêm chút ít tiền nuôi các con ăn học.
Hiện đã gần 50 tuổi nhưng chị Thoi vẫn "như con thoi" đi lại nhiều nơi làm đủ mọi việc người ta thuê mướn, lo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Điều an ủi với chị Thoi là tuy nghèo khó, vất vả nhưng cả 4 cô con gái đều rất ngoan ngoãn, 2 cô đầu đều có công ăn việc làm, cô chị cả đã lập gia đình có cuộc sống ổn định tại thị xã Tam Điệp, cô chị thứ hai có việc làm tại Hà Nội, hiện chuẩn bị lập gia đình…
Là con gái thứ 3 trong gia đình, thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, Tạ Thị Tâm luôn cố gắng khắc phục hoàn cảnh vượt khó học giỏi. Thấy mẹ vất vả, mỗi khi đến vụ mùa, Tâm không nề hà công việc nhà nông vất vả.
Mỗi buổi đi học về, Tâm chỉ kịp cắm vội nồi cơm, thay quần áo rồi lại ra đồng phụ giúp mẹ, có hôm Tâm và mẹ đi gặt lúc 3 giờ sáng, về nhà lại tranh thủ giặt giũ, nấu cơm phụ mẹ và em.
Vất vả, nghèo khó là vậy nhưng 12 năm liền Tâm đều là học sinh khá giỏi; năm lớp 12, Tâm được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý và đạt giải ba.
Trước kỳ thi đại học vừa qua, do điều kiện gia đình khó khăn nên thi xong tốt nghiệp THPT, em không đi ôn thi ở nhà trường hoặc các thầy, cô giáo mà tự ôn tập ở nhà. Gần ngày thi đại học, rơi đúng vào vụ cấy, nhưng Tâm vẫn có gắng giúp đỡ mẹ cấy nốt mấy sào lúa rồi mới yên tâm lên đường vào Thanh Hóa để thi.
Tạ Thị Tâm cho biết: "Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên mong muốn của em là thi vào trường Đại học An ninh để không phải đóng học phí, nhưng khi đi khám sức khỏe thì em lại thiếu chiều cao. Bàn bạc và xin ý kiến mẹ, em quyết định đăng ký vào ngành Xã hội học, trường Đại học Hồng Đức, một phần đó là ước mơ của em, sau này em muốn làm công tác xã hội, được chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi…, phần nữa là em có người bác ruột đang công tác tại thành phố Thanh Hóa, nếu học tại đó em sẽ đỡ phần nào chi phí ăn ở, đi lại, học tập".
Chia sẻ về việc học tập, nhất là học các môn xã hội khối C được nhiều bạn cho rằng "khó nhằn", Tâm cho biết: Gia đình khó khăn, lại neo người, em chỉ có thể học được vào các buổi tối. Các môn học nhiều, thời gian buổi tối không đủ, em xác định chủ yếu học trên lớp, nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, trên lớp tập trung chú ý nghe thầy cô giáo giảng bải, chú ý đến những điểm thầy, cô nhắc đi nhắc lại, đó chính là điểm nhấn mà mình cần nhớ. Chỗ nào chưa hiểu, mình có thể nhờ thầy cô giảng lại.
Một cách học rất hay mà Tâm áp dụng và thấy hiệu quả đó là, em ghi các sự kiện lịch sử vào những tờ giấy nho nhỏ, dán vào những chỗ trong nhà mình hay đi qua, vừa có thể học mọi lúc, mọi nơi và luôn nhắc mình nhớ chi tiết các sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng…
Tâm cho biết, em khá bất ngờ với kết quả đạt điểm cao và đỗ thủ khoa của mình, khi được chị gái, thầy cô và bạn bè gọi điện thông báo, chúc mừng, mãi em mới dám tin đó là sự thật. "Kết quả đạt được vui mừng đó đã phần nào bù đắp nỗi vất vả, hi sinh của mẹ cho em và là tấm gương để cô em gái út (năm nay lên lớp 12, liên tục là học sinh giỏi của trường THPT Yên Mô B) noi theo" - Tâm chia sẻ.
Vui mừng, phấn khởi và tự hào là vậy, nhưng đối với chị Nguyễn Thị Thoi, nỗi lo lắng, băn khoăn còn rất nhiều. Gia đình vẫn đang thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, vay nợ ngân hàng vẫn còn, lại còn em gái Tâm sang năm cũng thi đại học, rồi không biết lấy đâu tiền nuôi các con ăn học - chị Thoi trăn trở.
Nhưng chị cũng cho biết, sẽ quyết tâm chăm chỉ việc đồng áng, chăn nuôi, còn sức khỏe còn tranh thủ đi làm thuê, làm mướn, nếu cần tiếp tục vay các nguồn vốn ưu đãi để lo cho các con ăn học, tất cả chỉ với mong muốn các con có tương lai tươi sáng hơn.
Hạnh Chi-Phạm Trường