May mắn của tôi là được làm việc, được học hỏi từ những "cây đại thụ", những người luôn đau đáu với việc tạo dựng được thế hệ kế cận bằng cách dám đặt người trẻ vào một công việc đòi hỏi nhiều trải nghiệm-đó là biên tập. Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó.
Nói là biết ơn bởi thực tế dường như có rất ít trường lớp dạy về công tác biên tập. Trong khi đó, người làm công việc này nếu chỉ dựa vào kiến thức tích lũy được vẫn là chưa đủ, những kinh nghiệm xương máu của các bậc đàn anh, đàn chị sẽ giúp những kẻ học việc như tôi hạn chế rất nhiều vấp ngã. Nhờ đó tôi phần nào có thêm tự tin và hăm hở bước vào thử thách mới mẻ nhưng cũng hứa hẹn không ít khó khăn.
Tôi vốn là người ưa dịch chuyển và tự do, nay về Phòng Tòa soạn bắt đầu quen với việc mỗi ngày chỉ đến cơ quan rồi về nhà và ngược lại. Gần như cả ngày tôi chỉ đọc, đọc và đọc. Nhiều người nói rằng, như vậy thật nhàn hạ. Quả thật, bạn có thể nói điều đó vì thực sự bạn chưa có đủ trải nghiệm với công việc này.
Sẽ thế nào nếu mỗi ngày bạn chỉ được ra khỏi cơ quan và trở về nhà khi báo đã lên khuôn và trời cũng đã tối mịt. Mọi công việc gia đình vào giờ cao điểm bỗng chốc phải giao phó hoàn toàn cho người khác… Và tôi cũng được nghe cả câu chuyện của một vài đồng nghiệp có thâm niên, gần 20 năm qua họ có rất ít những bữa cơm chiều hay những ngày nghỉ trọn vẹn bên gia đình.
Thêm nữa, thay vì được sống với cảm xúc của chính mình mỗi lần ấp ủ, thai nghén "đứa con tinh thần" khi là một phóng viên, thì với người làm biên tập bạn phải sống với nỗi niềm của rất nhiều tác giả, ở rất nhiều lĩnh vực. Và đặc biệt, phải luôn giữ được sự tỉnh táo trước mỗi tác phẩm dù hay, dù dở…
Có thể, những câu chữ này chỉ là nỗi niềm của một người phụ nữ nhiều suy tư nhưng chẳng thể phủ nhận được, với mỗi lựa chọn công việc bạn đều phải chấp nhận đánh đổi những giọt mồ hôi và chẳng có giọt mồ hôi nào lại không mặn chát.
Kể lể như thế không có nghĩa là làm biên tập chỉ có sự mệt mỏi và nhàm chán. Khởi đầu một công việc bao giờ cũng khó khăn và việc tìm ra cách khắc phục những khó khăn ấy, tìm cách yêu công việc ấy là điều thực sự cần thiết. Tất nhiên, với hơn một năm làm biên tập và đọc sửa mo-rat, tôi không thể nào dám "múa rìu qua mắt thợ" để bàn sâu về chuyên môn, nhưng tôi luôn có những trăn trở với mong muốn làm tốt hơn công việc được giao.
Có thể thấy, chưa khi nào đời sống báo chí của địa phương lại sôi động và "chạy đua" như hiện nay, phóng viên cần có rất nhiều tin, bài với mật độ dày đặc phục vụ các ấn phẩm báo in cũng như báo điện tử. Và vì thế việc đôi lúc dùng tin, bài... ẩu là điều khó tránh khỏi. Còn biên tập viên lắm khi cũng không tỉnh táo. Đã có vài trường hợp tin, bài đăng chưa chính xác mà ít người nhận ra (trừ những tin "to" và đặc biệt quan trọng).
Bởi vậy, nếu có nhiều cặp mắt cùng "soi", sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra cho tác giả bài viết, như vậy chắc chắn sản phẩm báo chí sẽ ổn hơn. Nói thế để thấy, trong quy trình biên tập, rất cần có một đội ngũ biên tập viên dày dặn, có tinh thần đồng đội để bổ trợ và bọc lót cho nhau, bởi chẳng ai có thể hoàn toàn mẫn tiệp với hàng chục nghìn con chữ mỗi ngày.
Nhiều người quan niệm, phẩm chất cần có của biên tập viên là tính cẩn thận và tỉ mỉ. Điều đó đúng, nhưng tôi cho rằng như thế vẫn chưa đủ. Người biên tập phải là người tâm lý và khéo léo, biết cư xử. Vì hầu hết, những người viết văn, viết báo rất kỵ và không thích bài viết của mình bị sửa chữa, cắt gọt quá nhiều.
Trong khi đó, để "gia công" một bài viết, người biên tập phải sửa từ những lời văn thô ráp, câu văn lủng củng, trùng lặp đến những chi tiết "sạn" rất nhỏ là chính tả, từ ngữ… Biên tập viên cũng là trung gian giữa tác giả và độc giả nên phải hiểu được tâm lý của cả hai đối tượng này. Vì thế, người biên tập khi biên tập tin bài cần cân nhắc mức độ ảnh hưởng, độ khách quan của thông tin.
Một năm là quãng thời gian ngắn ngủi, chưa có nhiều điều để tôi chia sẻ về trải nghiệm mới này của mình bởi càng làm tôi càng thấy mình nhỏ bé trước khối lượng công việc đồ sộ ở tòa soạn báo. Nhưng tôi tin rằng với trách nhiệm, sự gắn bó nghiêm túc với công việc, tôi và các đồng nghiệp của mình sẽ ngày càng được ghi nhận, không còn là "người vô danh" trên mỗi sản phẩm báo chí.
Đào Duy