Giới thiệu cho chúng tôi mô hình đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị cho Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, cô giáo Bùi Thị Thủy-chủ nhân của mô hình cho biết: Đây là mô hình "Mạng truyền thông công nghiệp". Mô hình này đã đạt giải nhất Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh và được lựa chọn để mang đi dự thi cấp quốc gia. Hiện nay, tôi và các cộng sự đang nghiên cứu để hoàn thiện thêm cho sản phẩm. Mô hình này được chúng tôi chế tạo với mục đích tạo thêm cho Khoa những thiết bị giảng dạy hiện đại và sát với thực tế hiện nay.
Việc tự thiết kế và chế tạo không những giúp nhà trường giảm được chi phí mà còn nâng cao hiểu biết và kỹ năng nghề cho giáo viên. Đồng thời, tạo ra phong trào nghiên cứu cải tiến sáng kiến kỹ thuật, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Đây không phải lần đầu tiên cô giáo Bùi Thị Thủy và cộng sự chuẩn bị đưa thiết bị tự làm dự thi cấp quốc gia. Trước đó, nhóm đã có 3 lần dự thi và đều đạt thành tích tốt. Trong đó, điển hình là mô hình Cần trục đạt giải nhì năm 2013.
Cô giáo Thủy cho biết thêm: Hơn cả niềm vui khi một tác phẩm dự thi và đạt giải, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi và ê kíp đó là nhìn những thiết bị mình dày công nghiên cứu, sáng tạo và hoàn thiện được ứng dụng vào thực tế học tập không chỉ cho riêng sinh viên trong Khoa mà còn dùng cho học sinh ở nhiều khoa khác.
"Bộ sưu tập" thiết bị đào tạo tự sáng chế của cô giáo Bùi Thị Thủy và các cộng sự ngày càng nhiều và thực sự đa dạng. Ngoài mô hình "Mạng truyền thông công nghiệp" được giải nhất cấp tỉnh vào đầu năm 2022 còn có mô hình Thang máy tầng, được giải nhì Hội thi Thiết bị đào đào tự làm toàn quốc năm 2011, mô hình Cần trục được giải nhì năm 2013, mô hình Trộn và phun sơn tự động năm 2016; năm 2017, cô Thủy cùng các giáo viên trong nhà trường tham gia thiết kế và chế tạo với đề tài "Hệ thống lò đốt vỏ trấu tự động tạo than sinh học" do Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng, đã được nghiệm thu và được đánh giá cao.
Trong quá trình thực hiện bất kỳ mô hình nào, cô Thủy đều mời thêm sự hỗ trợ của một số giáo viên các khoa khác như cơ khí, hàn… đặc biệt, nhằm tận dụng cơ hội để học sinh thực hành, cô Thủy còn "kéo" học sinh cùng tham gia, có những mô hình cô và trò phải làm tới 6-7 tháng mới hoàn thành.
Không chỉ là những kiến thức, kỹ năng được truyền thụ, sức sáng tạo bền bỉ của cô giáo Thủy còn góp phần lan tỏa niềm đam mê sáng tạo đến với các học sinh, sinh viên trong nhà trường. Chất lượng học sinh, sinh viên cũng vì thế mà ngày càng được cải thiện, xứng đáng với sự kỳ vọng của chính các doanh nghiệp, đơn vị đặt hàng đào tạo.
Cô giáo Thủy chia sẻ, một trong những điểm yếu của học sinh, sinh viên các trường nghề sau khi ra trường là thiếu kiến thức thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là mặc dù định lượng thời gian thực hành cho học sinh là 2/3 quỹ thời gian học, song trên thực tế đa số các trường nghề đều học nặng về lý thuyết, học sinh không có điều kiện để đi thực tế thường xuyên trong quá trình học.
Trong khi đó, những mô hình, trang thiết bị dạy nghề của các trường còn nhiều thiếu thốn, chưa sát với thực tiễn. Từ thực tế này, cô bắt đầu mày mò, sử dụng những kiến thức mà mình có để sáng tạo ra các mô hình, thiết bị dạy học.
"Những mô hình này vừa tăng sự hấp dẫn cho mỗi tiết học, vừa giúp học sinh nắm vững kiến thức, thực hành tốt. Ngoài ra, trách nhiệm của người thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là khơi dậy, đánh thức niềm đam mê, sức sáng tạo cho học sinh, sinh viên, bắt đầu từ việc cùng "kéo" sinh viên tham gia sáng chế. Với những kiến thức, kỹ năng được tích lũy, chất lượng đào tạo được nâng lên, sát với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì các em dễ dàng tiếp cận được với công nghệ hiện đại ngay cả khi mới ra trường, từ đó, tìm cho mình một vị trí việc làm phù hợp với mức lương tốt"- cô giáo Bùi Thị Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Hàng năm, nhà trường đều phát động phong trào tự làm các thiết bị dạy nghề, từ đó, phát huy tính sáng tạo của mỗi giáo viên. Trong những năm qua, cô giáo Bùi Thị Thủy luôn là người gương mẫu, đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào và thực tế, các mô hình của cô Thủy luôn được đánh giá cao về tính ứng dụng và tiết kiệm cả tỷ đồng. Ví dụ như chiếc cần trục, nếu phải mua "hàng thật" cho học sinh thực hành thì mất hàng tỷ đồng, nếu mua bằng mô hình ở ngoài thị trường cũng mất trên 400 triệu đồng mà chưa chắc đã sát với thực tế đào tạo của trường. Nhưng với mô hình do cô Thủy và các cộng sự tự tạo ra thì với giá thành ở mức dưới 100 triệu đồng, lại có nhiều cải tiến, bám sát sự phát triển của các sản phẩm điện tử thực tế.
Bài, ảnh: Đào Hằng