Cặp đôi "cùng tiến"
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Thương mại với tấm bằng loại ưu, Đinh Thanh Hương cùng với bạn trai là Nguyễn Đức Khương, quê ở Sóc Sơn (Hà Nội) trở thành 2 trong số 3 sinh viên của trường giành được học bổng đi nghiên cứu sinh tại Pháp. Với niềm đam mê khám phá chân trời tri thức mới cộng với khả năng "siêu" về ngoại ngữ, đôi bạn trẻ đã nhanh chóng hòa nhập trong môi trường mới, rồi nên vợ nên chồng.
Với tâm nguyện "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" ngoài việc tập trung nghiên cứu, học tập nghiệp vụ tại trường đại học, Thanh Hương và Đức Khương còn dành nhiều thời gian thâm nhập thực tế, học hỏi cách tư duy, phương pháp quản lý, làm việc của người nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ, đôi bạn trẻ đã được một số trường đại học của Pháp mời tham gia giảng dạy và cũng tại đây họ được phong hàm Phó giáo sư…Hiện nay, Thanh Hương là chuyên gia lĩnh vực tài chính-ngân hàng của một tập đoàn kinh tế Mỹ đứng chân trên đất Pháp, còn chồng cô là giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế-tài chính thuộc Học viện Thương mại Pari, giảng viên Trường đại học danh tiếng Sorbonne.
Không chỉ miệt mài làm việc để mưu sinh, để khẳng định mình, đôi vợ chồng trẻ còn khởi xướng và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội do cộng đồng người Việt tổ chức (từ năm 2006 đến 2008 Đức Khương là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, hiện anh là Chủ tịch Hội Khoa học người Việt Nam tại Pháp) với mong muốn làm cầu nối, giúp các sinh viên, nhà khoa học Việt Nam có thêm cơ hội học tập, nghiên cứu trên đất Pháp và một số nước khác trong cộng đồng châu Âu.
Được biết, những năm gần đây, mỗi năm đôi vợ chồng trẻ đều dành một vài tháng về nước, tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh tại một số trường đại học trong nước. Công việc tuy vất vả, bận rộn nhưng theo họ, được đóng góp cho Tổ quốc là trách nhiệm, niềm vui, niềm vinh dự của bất cứ người Việt nào, dù đang sinh sống ở nước ngoài hay trong nước.
Những cái Tết xa xứ
Thanh Hương kể, ở Pháp, Tết Nguyên đán của người Việt Nam diễn ra khá đặc biệt, bởi ban ngày mọi người vẫn phải đi làm, đi học. Việc ăn Tết và chơi Tết chỉ diễn ra vào buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Chính vì vậy, việc thăm thú, chúc tụng nhau thường kéo dài trong suốt tháng Giêng. Dịp này, cộng đồng người Việt và Đại sứ quán ta tại Pháp cũng tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như đêm nhạc quê hương, các cuộc thi sắc đẹp, thi nấu ăn…
Tết cũng là lúc để mọi người tổ chức tiệc vui, mời bạn bè đến nhà chơi, kể cho nhau nghe những đổi mới nơi quê nhà và truyền cho nhau kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, thử thách nơi đất khách quê người. Do cộng đồng người Việt trên đất Pháp rất đông ( khoảng trên 400.000 người) nên việc sinh hoạt thường được chia theo nhóm, gồm những người cùng lĩnh vực, nghề nghiệp, cùng quê, cùng sở thích.
Tuy sống ở trời "Tây", nhưng những người Việt luôn chú ý giữ gìn phẩm cách, bản sắc văn hóa Việt. Ra khỏi nhà thì giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng khi về nhà là nói tiếng Việt, kể cả con trẻ. Đặc biệt, món ăn thì "đặc" chất Việt. Mâm cơm ngày Tết, ngoài bánh chưng, giò, thịt gà, canh măng mọc, nhà nào cũng có món nem rán, đây cũng là món ăn mà người Pháp cũng rất thích, thường được người Việt mang ra đãi mỗi khi đến nhà chơi.
Thanh Hương còn cho biết: ở những khu chợ châu á, mọi nguyên liệu phục vụ cho ăn và chơi Tết không thiếu thứ gì, chỉ có điều do phải vận chuyển xa và bảo quản lâu ngày nên có những thứ không được đẹp như ở quê nhà, ví dụ cành đào thường bị chia nhỏ, lá dong không được tươi.
Năm nay, thêm một lần nữa vợ chồng Thanh Hương lại ăn Tết xa nhà. Trước Tết hơn một tháng, đôi vợ chồng trẻ đã tranh thủ về thăm quê, chúc Tết bố mẹ, ông bà. Thanh Hương tâm sự, lần này về Việt Nam, cô đã nhận thấy những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong nước. Riêng lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đang trong quá trình phải tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại.
Cô hy vọng, bằng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được ở nước ngoài, trong thời gian tới vợ chồng cô sẽ làm được những việc thiết thực góp sức cho quá trình đổi mới của quê hương, đất nước, ví dụ như việc tham gia các dự án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng, tư vấn xây dựng mô hình quản lý tài chính sao cho hiệu quả.
Xuân về, xin chúc những dự định của vợ chồng Thanh Hương thành công.
Bài, ảnh: Đức Huy