Chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với một số thành viên của CLB trong không gian phòng đọc chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, ngay tại trụ sở UBND xã Gia Hưng. Trong căn phòng, có rất nhiều sách, báo với đủ mọi chủng loại. Từ sách tập đếm cho thiếu nhi, sách giáo khoa các cấp cho đến những cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh, triết học Mác - Lênin. Trên chiếc bàn gỗ để giữa phòng, chúng tôi nhận ra những tờ Báo Ninh Bình được để ngay ngắn, xếp chồng lên nhau thành từng tập vuông vắn, sắp theo thứ tự thời gian năm, tháng.
Ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: ở đây, báo Đảng là "món ăn" tinh thần không thể thiếu bởi vì đó là nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đã 15 năm nay, chúng tôi tự tiết kiệm tiền để mua, sưu tầm sách báo, đặc biệt là những tờ báo Đảng. 3 năm trở lại đây, được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, phong trào mua và đọc báo Đảng ngày một phát triển đến từng chi bộ.
Hiện, CLB có các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, Báo Ninh Bình, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng... Qua từng số báo, những thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội được cập nhật, truyền tải kịp thời tới đông đảo bạn đọc.
Ông Nguyễn Tiến Lực cho biết thêm, có hơn 300 độc giả thường xuyên mượn sách, báo hoặc trực tiếp đến phòng đọc của CLB để đọc sách, báo. Những tác phẩm báo chí sâu sắc, phản ánh thông tin thời sự kịp thời đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đọc được những thông tin hữu ích trên sách, báo, các thành viên trong CLB đều ghi chép lại hoặc cắt để lưu giữ lại thành một tập riêng, giúp bạn đọc tham khảo, nghiên cứu được thuận tiện.
Ông Bùi Trọng Hải, một thành viên cao tuổi của CLB cho biết, CLB Văn hóa đọc Gia Hưng được thành lập từ năm 2003. Buổi đầu chỉ có 5 thành viên là cán bộ hưu trí, cùng có niềm đam mê chung là đọc sách, báo. Tết Nguyên đán năm đó, ông Lực có tổ chức trưng bày báo Tết ngay tại nhà riêng, thu hút được nhiều người dân địa phương đến tham quan, đọc báo.
Từ đó trở đi, nhà riêng của ông Lực là "trụ sở" để các thành viên quy tụ cùng đọc sách báo. Ngoài sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần, mỗi năm CLB tổ chức gặp mặt các thành viên hai lần vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và dịp trưng bày báo Xuân, báo Tết. Nguồn kinh phí chính để duy trì hoạt động của CLB là do các thành viên tự đóng góp. Qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay CLB đã có 56 hội viên, người cao tuổi nhất năm nay đã 92 tuổi, người trẻ nhất là 30 tuổi.
Năm 2016, cấp ủy và chính quyền xã Gia Hưng tạo điều kiện, giao cho CLB một phòng riêng nằm trong khuôn viên của trụ sở UBND xã để hoạt động. "Tài sản" của CLB hiện có là khoảng 4.500 đầu sách, xây dựng 5 tủ sách của xóm với trên 300 đầu sách.
Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng tự xây dựng trên 20 tủ sách gia đình. Ông Nguyễn Văn Hoạt, một hội viên CLB cho biết: CLB chỉ đi tuyên truyền về hoạt động đọc sách báo chứ không vận động người dân tham gia.
Tuy nhiên, nhận thấy việc làm thiết thực, bổ ích nên người dân tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động trong CLB. Nghi thức để được trở thành thành viên CLB cũng rất đặc biệt, đó là hội viên phải tự mua một tờ báo về đọc cho toàn thể thành viên trong gia đình. Qua đó sẽ góp phần lan truyền cảm hứng đọc sách, báo cho cộng đồng.
Có thể nói, CLB Văn hóa đọc Gia Hưng là một điểm sáng trong việc đẩy mạnh văn hóa đọc, là cầu nối giúp người dân địa phương tiếp cận với nguồn tri thức vô tận trong sách báo. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình CLB Văn hóa đọc Gia Hưng sẽ được nhiều địa phương học tập, nhân rộng.
Thái Học