Trong tất cả những lần sinh hoạt của Ban liên lạc, câu chuyện về tinh thần bất khuất, kiên trung của anh em trong những ngày lao tù vẫn được nhắc nhớ để động viên, khích lệ mỗi người vượt qua di chứng đòn tra của kẻ thù. Ông Đinh Duy Điệp, Trưởng Ban liên lạc kể: ở tất cả các nhà tù, trại giam, chúng tôi đã bị đàn áp, khảo tra, thịt nát, máu trào. Ngoài việc đày đọa về thể xác, địch còn dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến đàn áp dã man để bắt chúng tôi phải từ bỏ lý tưởng của mình.
Âm mưu thâm độc này được thể hiện rõ nét nhất ở Trại giam Phú Quốc thời Mỹ ngụy. Được xây dựng từ cuối năm 1966, trại giam này nhanh chóng trở thành nhà tù lớn nhất Đông Nam á, có lúc giam giữ tới trên 40 nghìn người. Để ép buộc anh em ta phải đầu hàng, bọn cai ngục đã sử dụng trên 40 kiểu tra tấn, kể cả các kiểu tra tấn từ thời Trung cổ. Sau khi bị tra tấn hầu hết anh em bị chúng nhốt vào chuồng cọp và biệt giam. Tôi và nhiều anh em phải cởi trần, phơi nắng, dầm mưa suốt ngày đêm nên da bóc hết lớp này đến lớp khác. Mỗi ngày được 2 vắt cơm nhỏ không muối và một ca nước uống. Ban đêm còn bị lính canh dội nước bẩn, ném đá và lôi ra đánh đập bất cứ lúc nào. Vì quá khắc nghiệt nên từng người tù binh đã phải gồng mình lên chịu đựng và vượt qua, nhiều lúc ranh giới giữa kiên trung và hèn nhát trong mỗi người chỉ mong manh như sợi chỉ. Song anh em chúng tôi đã kiên cường trụ vững.
Những chiến sỹ là đảng viên đã tự tìm tới nhau lập ra tổ chức Đảng bí mật trong trại giam để đoàn kết, tập hợp lực lượng vừa để bảo vệ mình, vừa lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Toàn Trại giam Phú Quốc có trên 40 phân khu thì cũng có khoảng hơn 40 đảng bộ. Trong số chiến sỹ người Ninh Bình có những người đã được tập thể gửi gắm niềm tin, được các đảng viên cử vào Đảng ủy, Chi ủy hoặc cử làm bí thư chi đoàn trong những năm tháng cùng sống, cùng chiến đấu nơi lao tù đế quốc. Trong đó, ông Đinh Duy Điệp và 4 người khác được tham gia đảng ủy ở các phân khu, 12 người tham gia chi ủy ở chi bộ các phân khu, 2 đảng viên làm Bí thư chi đoàn...
Ông Đinh Duy Điệp kể tiếp: Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng bí mật trong phân khu, từng người đều thấy mình có tập thể hậu thuẫn, bảo vệ và động viên nên đã giữ được phẩm chất, khí tiết trong những lần bị địch tra tấn, đánh đập. Đảng ủy rất coi trọng việc tổ chức cuộc sống tinh thần trong phân khu. Khuyến khích và tổ chức để mọi người cùng tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Anh em đã tổ chức diễn kịch, ca hát dịp tết đến, xuân về. Những vở kịch, những bài hát được dàn dựng, tập luyện công phu khi biểu diễn ở sân lính ngụy cũng vây quanh xem.
Việc dạy và học trong phân khu được đảng ủy đặc biệt quan tâm. Phương châm đề ra là ai biết thứ gì thì dạy cái đó, ai học được gì thì cố gắng học. Các lớp văn hóa được tổ chức ở tất cả các phòng giam. Các lớp học nhạc, học vẽ, học chuyên môn cũng được tổ chức cho những anh em có nhu cầu. Nhiều anh em trưởng thành từ các lớp học ở Trại giam Phú Quốc. Anh Khắc quê Kim Sơn, anh Đoàn quê Yên Khánh là những người lúc bị bắt trình độ văn hóa cấp 2 nhưng các anh đã học trong tù và sau ngày trao trả các anh đã thi đỗ đại học...
Phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất trong những ngày tháng nơi lao tù thực dân, đế quốc, những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày Ninh Bình hôm nay đã luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao. Từ khi thành lập, năm 1999, Thường trực Ban liên lạc đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban thi đua khen thưởng tỉnh giải quyết các chế độ chính sách cho anh em. Hầu hết anh chị em đã được Thủ tướng Chính phủ tặng "Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày", được trợ cấp 1 lần và nay được trợ cấp hàng tháng. Những người không còn giấy tờ gốc thì thời gian vừa qua Thường trực Ban liên lạc đã tới các Quân khu và Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam nhờ giúp đỡ và những anh em này đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ ưu đãi.
Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc để anh em thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Ban liên lạc đã luôn an ủi, động viên, thăm hỏi khi anh em ốm đau, chia sẻ buồn vui, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ông Đinh Duy Điệp cho biết: Hàng năm chúng tôi đều tổ chức họp mặt truyền thống ở các huyện, thành phố, thị xã, tổ chức mừng thọ các anh chị cao niên nhằm động viên họ phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất của những năm tháng trong lao tù thực dân, đế quốc tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời thông qua đó cũng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thêm, cảm thông và chia sẻ, động viên, giúp đỡ anh em vượt qua bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để sống vui, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Đặc biệt từ năm 2013, Ban liên lạc tỉnh và Ban liên lạc các huyện Kim Sơn, Nho Quan đã được UBND tỉnh, UBND 2 huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Cách đây 15 năm khi Ban liên lạc được thành lập có 937 anh em còn sống, đến nay còn 403 người, trong đó có 316 người tuổi từ 70 trở lên, có 45 người đã ngoài 90 tuổi... Các cụ hầu hết bị tù đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc nên có nguyện vọng được 1 lần trở lại nơi mình đã bị đày đọa trước đây khi sức khỏe còn cho phép. Phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất trong những ngày tháng nơi lao tù thực dân, đế quốc, những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày Ninh Bình hôm nay đã luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó; nay tuổi cao, sức khỏe giảm sút, họ vẫn nêu gương sáng trong cuộc sống hàng ngày để con cháu học tập, noi theo.
Bài, ảnh: Duy Hiền