Mỗi cái tên một số phận Ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình nằm tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, những chú gấu được đặt những cái tên rất lạ: Hai Chân, Thái Vân, Thái Giang, Húng, Thơm, Thì Là, May, Mi, Tam… Tìm hiểu kỹ mới biết những cái tên ấy chính là cuộc đời, là quá khứ của chúng.
Hai Chân là tên gọi mà các nhân viên cứu hộ của Four Paws Viet đặt cho một gấu ngựa cái. Đó là một trong ba con gấu đầu tiên được đưa về Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình từ một trại nuôi gấu lấy mật ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình vào cuối năm 2017. Sở dĩ có cái tên Hai Chân bởi con gấu này đã bị mất 2 chi trước, mà nguyên nhân rất có thể là do bị sập bẫy hoặc bị con người tàn nhẫn cắt đi để phục vụ nhu cầu về súp tay gấu, rượu tay gấu. Trước đó, Hai Chân đã bị tù đày nhiều năm liền trong một cũi sắt chật hẹp, gỉ sét, tù túng, thiếu ánh sáng.
Do sống trong môi trường tồi tệ, chế độ ăn không cân đối, thường xuyên bị gây mê, trích hút mật nên Hai Chân gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, gan mật bị thương tổn. Thời gian đầu khi điều trị ở khu cách ly, Hai Chân dường như không có phản ứng nhiều với nhân viên chăm sóc, ánh mắt lờ đờ, cơ thể nặng nề. ấy vậy mà thật kỳ diệu, ngay ngày đầu tiên lên "nhà gấu", được tiếp xúc với mặt sàn bằng phẳng Hai Chân đã bước những bước đầu tiên, mặc dù khá chậm.
Những ngày sau đó, Hai Chân đã khiến tất cả mọi người ở Trung tâm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó có thể trèo lên sàn cao để chơi, vẫn có thể bơi và đi khám phá toàn khu bán hoang dã… Chính những điều này mà Trung tâm đã quyết định đổi tên Hai Chân thành Nhí Nhố để xóa đi quá khứ đau thương của nó.
Với Mi và Tam - đó là câu chuyện 2 chú gấu mồ côi. Một buổi tối lạnh giá tháng 2 năm 2019, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình nhận được cuộc gọi từ Công an thành phố Hải Phòng thông báo về việc bắt giữ 2 cá thể gấu từ một vụ buôn bán động vật trái phép. Thông tin ban đầu thì 2 chú gấu này rất nhỏ. Thế là hành trình giải cứu diễn ra ngay trong đêm, tuy nhiên đến khi Đội cứu hộ tiếp cận được hiện trường thì 2 chú đã rơi vào tình trạng bị mất nước, tiêu chảy…
Quãng thời gian sau đó là một hành trình gian nan để giành giật lại sự sống cho 2 chú gấu này. Mi và Tam mỗi đứa chỉ cân nặng 800-900g, ngoài ra, Mi còn được chẩn đoán có vấn đề thương tổn về não dẫn đến việc vận động không bình thường. Đảm bảo môi trường vô trùng, ủ ấm 24/24 tiếng, 3 tiếng cho uống sữa một lần…
Chính nhờ sự chăm sóc tận tụy của đội ngũ bác sỹ thú y và nhân viên chăm sóc mà gấu con Mi, Tam đã có những dấu hiệu tốt dần lên. Việc vận động của Mi có nhiều tiến triển. Hiện tại, Mi và Tam đã đạt trọng lượng hơn 30kg, khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn. Tuy vậy, thi thoảng chúng vẫn hay mút tay - một cách để xoa dịu bản thân mỗi khi nhớ sữa mẹ.
Còn Húng thì được Four Paws Viet đưa về Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình cùng với 6 cá thể gấu khác từ 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai trong một chuyến giải cứu lớn nhất năm 2019 của tổ chức. Sau 42 giờ di chuyển trên quãng đường dài gần 1.600 km, Húng là chú gấu mà các bác sỹ lo lắng nhất, bởi 1 bên mắt của nó có dấu hiệu bị hỏng.
Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho Húng, ngay sau khi trở về Cơ sở, Húng được kiểm tra, gây mê và phẫu thuật loại bỏ một bên mắt. Do mắt còn lại cũng không được tốt nên Húng gặp nhiều khó khăn và phải mất một thời gian dài để có thể di chuyển theo hiệu lệnh của người chăm sóc, làm quen với khu sân chơi, với hàng rào điện. Thật vui, giờ đây Húng đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống mới và thường nằm dài trên bãi cỏ tận hưởng nắng ấm.
Ngôi nhà hạnh phúc
Sau tất cả những nỗi đau, giờ đây những chú gấu đang được sống hạnh phúc dưới một mái nhà chung - Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình. Nơi đây, gấu được nô đùa trong một không gian rộng rãi, hòa mình với thiên nhiên, hưởng thụ những tia nắng ấm mặt trời, thứ mà trong suốt những năm trước đó chúng không được biết đến.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu Bán hoang dã của Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Lã Trà Mi - bác sỹ thú y của Trung tâm cho biết: Khi được cứu hộ về đây, các chú gấu đều được kiểm tra, theo dõi sức khỏe và có chế độ điều trị riêng. Khi thấy sức khỏe của chúng bình ổn thì chuyển sang giai đoạn huấn luyện, mỗi con gấu sẽ được Trung tâm đặt cho một cái tên và được huấn luyện để nhận biết tên gọi.
Việc này giúp ích cho việc thăm khám, uống thuốc cũng như di chuyển gấu từ chuồng này sang chuồng khác, từ chuồng ra sân chơi và ngược lại được thuận lợi. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng phục hồi lại bản năng tự nhiên cho gấu. Ngoài việc cố gắng giữ lại nguyên vẹn địa hình, các cây xanh đã có ban đầu, với các quả đồi nhỏ, tạo độ dốc cho gấu vận động, các nhân viên chăm sóc còn làm các "đồ ăn làm giàu".
Họ giấu thức ăn trong các ống tre, hốc cây, trên cành để khuyến khích việc gấu di chuyển, đánh hơi tìm kiếm và tìm cách ăn các thức ăn đó. Việc này giúp khơi dậy bản năng tự nhiên của gấu và quên đi những tập tính bị con người thuần dưỡng khi nuôi nhốt.
Trao đổi với chị Bùi Thị Hạnh, nhân viên chăm sóc tại Khu bảo tồn, được biết: Ban đầu tiếp xúc với các bạn gấu em có chút lo sợ vì các bạn ấy khá cao lớn. Nhưng càng tiếp xúc, em càng thấy các bạn ấy rất đáng yêu. Hàng ngày, em đều dành những lúc yên tĩnh trò chuyện với các bạn gấu để giúp các bạn ấy bình tĩnh hơn, thân thiện hơn. Em hiểu rõ sở thích của từng bạn, biết các bạn thích chơi và ngủ chỗ nào.
Nghe cách các cán bộ, nhân viên của Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình gọi gấu là bạn, đặt cho gấu những cái tên rất đỗi đáng yêu, nhìn cái cách mà họ chăm sóc gấu, tỷ mẩn làm những "đồ ăn làm giàu" cho gấu tôi có một niềm tin rằng rồi những chú gấu ở đây sẽ dần được phục hồi đúng với bản năng giống loài của chúng. Thông qua đó cũng góp phần làm thay đổi nhận thức trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống.
Bài, ảnh: Hà Phương - Hoàng Lê