Phạm Văn Tiến sinh năm 1987, quê xã Yên Thái (huyện Yên Mô). Gia đình Tiến vốn làm nghề nông kết hợp buôn bán nhỏ vì vậy các anh chị đều có thiên hướng theo nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tiến đã mơ ước sau này mình sẽ thi vào một trường đại học nào đó mà có thể phát huy được các giá trị văn hóa chứ không phải theo nghiệp doanh thương. Nói là làm, học hết THPT, Tiến nộp hồ sơ vào học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng chuyên ngành Việt Nam học, học văn bằng hai tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn quãng thời gian sinh viên Tiến đã vừa đi học vừa đi làm.
Tốt nghiệp đại học, Phạm Văn Tiến xin làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo, lăn lóc khắp các tỉnh miền Tây. Quãng thời gian dài làm nghề viết chính là lúc chàng trai trẻ "ngộ ra" cái "tạng" của mình. Sau đó Tiến đã bỏ nghề viết, học thêm ngoại ngữ, nghiên cứu sâu về cổ học và chuyên nhận làm hướng dẫn viên các tour du lịch tâm linh. Có được công việc, bớt đi nỗi lo mưu sinh, nhưng Tiến không chọn ở lại thành phố mà về quê. ở quê, Tiến cũng không ở cùng gia đình mà xin một khoảnh đất riêng, chọn đời sống tự lập và sống an nhiên tự tại. Ngoài nghề "đi tour", Tiến còn làm thêm nghề tay trái là viết Thư pháp vào mỗi dịp Tết. Nghề "cho chữ" theo như Tiến cho biết tuy chỉ mang tính thời vụ, tức vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán nhưng là nghề "một vốn bốn lời". Có nhiều năm Tiến đã phải viết chữ từ mờ sáng cho tới tận giao thừa. Mỗi một cái Tết "ông đồ trẻ" lại có được một món tiền khá khá. Có tiền, Tiến dành dụm kiến tạo không gian riêng của mình.
Không gian của Tiến là một khoảnh đất nhỏ ven cầu Hội, thôn Đông Thôn, xã Yên Thái (huyện Yên Mô) rợp bóng cây, quay mặt ra một con sông nhỏ. Căn nhà nhỏ của Tiến tuy đơn giản nhưng nó tựa như một thảo am, còn Tiến hóa thành một cư sỹ. Ngoài thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, Tiến dành thời gian làm vườn, lúc tĩnh tâm thì luyện viết Thư pháp. Có một thời gian cậu còn mở cả một lớp dạy viết thư pháp miễn phí tại nhà cho các em nhỏ trong làng và xem đó là một thú vui, một việc làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Tiến tâm sự: "Cuộc sống hiện đại nhiều bạn trẻ chọn con đường làm kinh tế, nhưng nếu ai cũng chỉ chú trọng làm giàu mà lơ là hay bỏ ngỏ việc vun đắp các giá trị văn hóa truyền thống thì cũng sẽ là một thiếu sót. Những tâm sự của Tiến cho thấy cậu là một người thực sự nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống. Việc "chơi Thư pháp" hay mở lớp dạy Thư pháp cho các bạn nhỏ cũng là một cách Tiến hướng sự chú ý của nhiều bạn trẻ vào các giá trị văn hóa cổ truyền. Đó là cũng là một việc làm có ý nghĩa và rất đáng trân trọng
Thời đại công nghệ 4.0, đời sống tự do, hiện đại, mỗi bạn trẻ đều có quyền lựa chọn cho mình một lối đi riêng tới tương lai. Điều quan trọng là chàng trai này đã tìm thấy cho mình một lẽ sống và dũng cảm theo đuổi nó. Và với Tiến, cuộc sống thực sự là việc được làm những gì mà mình tâm đắc, tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó trong mỗi phút giây tồn tại.
Đức Bá