Hơn cả những tấm huân chương Trong những ngày cả nước đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, chúng tôi tìm về Thủ đô để gặp ông Nguyễn Văn Đoàn. Người chiến sĩ cảnh vệ của Bác Hồ năm xưa nay đã bước sang tuổi 72. Khác với sự mường tượng của tôi về những người cảnh vệ cho các vị lãnh tụ: cao to, lạnh lùng, kín tiếng và khó gợi chuyện..., ấy vậy mà ông Đoàn lại là người tầm thước, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, gần gũi.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở phố Đội Cấn, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội, ông Đoàn không giấu nổi niềm vui, xúc động, ông chia sẻ: Có thể nói đối với nhiều người dân Việt Nam nói chung, đồng bào, đồng chí và nhân dân ở Ninh Bình nói riêng thì việc được gặp Bác, gần Bác một chút thôi, đó cũng là hạnh phúc rồi. Nhưng thật may mắn thay, tôi lại được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ phục vụ Bác Hồ từ khi Người còn khỏe, đến lúc Người yếu đau và khi Người đi theo cụ Các-Mác, Lê-nin...
Lật giở những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc ông cùng đồng đội được làm việc bên Bác tại Phủ Chủ tịch, ông Đoàn giới thiệu khái quát: Ông sinh năm 1947 tại Ninh Sơn, thị xã Ninh Bình (nay là phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình). Năm 1965, ông cùng 21 thanh niên Ninh Bình được tuyển đi đào tạo tại Trường Công an. Do có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc, ông Đoàn vinh dự là một trong những người được học cảm tình Đảng. Tháng 9/1966, khi còn đang theo học tại Trường Công an thì Cục 22 - Cục Bảo vệ lãnh tụ (Bộ Công an) đến trường tuyển ông Đoàn về công tác ở Đội 1 (đặc trách bảo vệ Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng, bác Tôn Đức Thắng). Tại đây, ông được phân công làm nhiệm vụ ở Tổ Bảo vệ tùy thân, trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Một năm sau đó (1968), ông vinh dự được Chi bộ cơ quan Bác Hồ kết nạp Đảng.
Bảo vệ lãnh tụ là nhiệm vụ rất thiêng liêng, vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, nhất là với những chiến sĩ trẻ như ông Nguyễn Văn Đoàn. Việc ông được làm cảnh vệ cho Bác Hồ là một bí mật, ngay cả bố mẹ, người thân trong gia đình cũng không được biết. Nhiệm vụ của ông và các đồng đội là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác Hồ ở mọi lúc, mọi nơi. "ở Tổ bảo vệ tùy thân nên sớm khuya hàng ngày Bác với chúng tôi như cha với con, bác với cháu. Có công việc gì, Bác không cần gọi tên ai cả, chỉ cần "cúc cu" thì anh em ai gần nhất sẽ "dạ" và thật nhanh chóng có mặt để xem Bác truyền bảo việc gì. Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, lúc nào anh em cảnh vệ cũng phải quan sát, quan sát từ xa, quan sát toàn diện, quan sát kịp thời và giải quyết kịp thời những gì khả nghi... nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động của Bác"- ông Đoàn chia sẻ.
Suốt 3 năm (1966-1969), ông Nguyễn Văn Đoàn cùng đồng đội ngày ngày túc trực 24/24 giờ bên Bác và đã bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chính vì vậy, sau khi Bác Hồ mất, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký tặng Bằng khen cho tập thể Chi bộ cơ quan Bác Hồ "đã tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh". "Đây là một điều vinh dự lớn lao đối với tôi và tập thể Chi bộ cơ quan Bác Hồ, nó còn hơn cả những tấm Huân chương. Bởi Chủ tịch nước không bao giờ ký tặng Bằng khen, nên bác Tôn Đức Thắng lúc đó đã nói: Tôi làm một việc ngoại lệ"- ông Nguyễn Văn Đoàn xúc động cho biết.
Luôn xứng đáng với Người
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đoàn luôn khiêm tốn, giản dị, không nói nhiều về những thành tích cá nhân mà chỉ kể nhiều về Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về Người vẫn vẹn nguyên trong ông.
Ông Đoàn chia sẻ: Với tôi, những năm tháng được sống bên cạnh phục vụ, bảo vệ Bác Hồ luôn là ký ức đẹp không thể nào quên. Tròn 3 năm tôi được sống cạnh và làm cảnh vệ cho Bác là quãng thời gian tôi học tập được ở Bác phong cách làm việc khoa học, đức tính giản dị, tiết kiệm, chịu khó, kiên trì, khiêm tốn và tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đặc biệt, ở Bác luôn có sự gần gũi, thân tình, khoan dung. Ngay những lúc cán bộ cấp dưới hay những người phục vụ có sai sót, Bác cũng không cáu gắt mà luôn nhẹ nhàng bảo ban có lý, có tình, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc. Vì vậy, Bác không bao giờ lớn tiếng với bất kỳ ai. Quá trình được phục vụ Bác, tôi cảm nhận sâu sắc sự tận tâm, trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi.
Và cho đến những giây phút cuối cùng trong đời, Bác vẫn hỏi về việc nước... Cảm phục Người bao nhiêu thì chúng tôi càng thương Bác bấy nhiêu, bởi Bác đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, nhưng riêng mình thì luôn sống lặng lẽ, giản dị. Đó cũng là lẽ sống của Bác: "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".
Bác Hồ từng căn dặn đơn vị cảnh vệ cần phải học tập cho tốt, giữ kỷ luật cho nghiêm. Lúc có địch coi như không có địch, lúc không có địch coi như có địch. Phải dũng cảm, bình tĩnh, không lúng túng, không vội vàng khi có sự việc xảy ra; rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật hoàn hảo, "lai vô ảnh, khứ vô hình" (đến và đi không để lại gì).
Theo ông Đoàn, đó thực sự là những giáo huấn sâu sắc của Bác đối với những người cảnh vệ. "Tôi luôn cố gắng phấn đấu thực hiện tốt lời Bác dạy. Hơn nữa, là một trong số ít người Ninh Bình may mắn được lựa chọn vào làm cảnh vệ cho Bác Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải không ngừng rèn luyện, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, xứng đáng với Bác và xứng đáng với truyền thống của những người con Cố đô nghìn năm văn hiến"- ông Đoàn cho biết.
Sau khi Bác Hồ mất, ông Đoàn cùng 3 cán bộ thuộc Tổ bảo vệ tùy thân của Bác được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tháng 11/1970, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng có Nghị quyết quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đoàn được Bộ Công an biệt phái sang làm việc tại đây.
Đến năm 1984, ông được đề bạt giữ chức Phó Vụ trưởng, năm 1989 được cử giữ chức vụ Trưởng vụ Quản lý Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Trên từng cương vị công tác, ông đã cùng với đồng nghiệp có nhiều hoạt động góp phần vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy các giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế khi đến viếng thăm Bác.
Điều đặc biệt trong gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, đó là vợ ông- bà Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội cũng là một trong những người có nhiều hoạt động đóng góp cho việc gìn giữ, phát huy di sản Hồ Chí Minh. Năm 2005, bà Nguyễn Thị Tình vinh dự được Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiệm vụ thiêng liêng: mang tượng của Bác Hồ đặt tại Không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil (ngoại ô Paris, Pháp) nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người. "Trong mọi công việc, chúng tôi luôn phấn đấu với phương châm "Chỉ cho phép làm tốt, không để Bác phiền lòng". Và chúng tôi đã làm một cách xuất sắc, thật toàn diện, xứng đáng với Bác"- ông Nguyễn Văn Đoàn tâm sự.
Đinh Ngọc