Nguyễn Thị Huyền, con ông Trạch đã đỗ vào khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm với số điểm khá cao: 29,75 điểm. Trong lịch sử khoa cử xã Yên Quang chưa có một ai đỗ cao như vậy. Gia đình ông Trạch là hộ dân tộc Mường, kinh tế rất khó khăn, điều kiện để các con ông ăn học còn nhiều thiếu thốn. Trong câu chuyện, ông đã ngậm ngùi kể lại cho chúng tôi nghe về gia cảnh và chuyện học hành của các con. Đó là vào thời điểm trong gia đình chỉ còn vẻn vẹn vài tạ thóc thì em Huyền nhận được giấy báo thi. Đêm ấy ông bà Trạch đã thức trắng đêm để bàn bạc, tính toán, làm sao để bán hai tạ lúa mà phải giải quyết được ba việc: em Huyền đi thi đại học; anh con trai cả Đặng Văn Luân sắp thi tốt nghiệp đại học và cô con gái thứ 2 Đặng Thị Sửu đang là sinh viên. Thêm nữa, anh con cả lại vừa điện về nói nếu bố mẹ đồng ý, sẽ thi vào cao học, lấy bằng thạc sĩ. Trằn trọc suy nghĩ suốt đêm, ông bà đã phải đưa ra một quyết định hết sức khó khăn đó là cậu cả phải tạm dừng giấc mơ trở thành thạc sĩ, cô Sửu vẫn học tiếp nhưng số tiền cấp cho hàng tháng sẽ ít đi, còn cô út Huyền sẽ dự thi đại học bằng tiền... đi vay. Và kết quả của quyết định sáng suốt ấy là: anh cả Đặng Văn Luân sau khi tốt nghiệp, trở thành giáo viên Toán của Trường Nho Quan THPT C, cô Sửu về dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Gia Viễn, còn cô út Huyền sau khi nhập học 6 tháng, với kết quả học tập ấn tượng đã giành một suất học bổng đi Nga. Giờ thì cô út đã là sinh viên của Đại học Tu- La (Liên bang Nga). Còn nhớ khi cái tin Huyền ở thôn Yên Ninh, con một gia đình dân tộc Mường nghèo khó, đã xuất sắc vượt qua mấy nghìn sinh viên của toàn Đại học Tây Bắc để dành một suất du học tận bên Tây "bay" về cái xóm nhỏ của cô đã khiến cả xóm vui mừng khôn xiết. Đi đâu cũng thấy người ta hỏi thăm về gia đình cô. Và lũ trẻ trong xã, khi đi lên trường huyện học bao giờ cũng cố giới thiệu "mình là người Yên Ninh", " nhà tớ gần nhà chị Huyền"… "Sự kiện" ấy cũng ấn tượng không kém chuyện mấy tháng trước Huyền nhận được giấy báo điểm đại học.
Để có sự thành đạt của con cái, ông Đặng Văn Trạch và bà Quách Thị Sao đã phải đổi bằng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Nhiều người dân Yên Quang kể lại rằng khi hai đứa con còn đi học, ngày nào ông bà cũng đánh trâu ra đồng. Người làng trên xóm dưới ai thuê cày, ông đều nhận và nói vui "cày để có tiền gửi cho lũ trẻ". Nếu làm một phép tính vui rằng, vào thời điểm ấy, công cày một sào ruộng ông được trả 40 nghìn, một tháng ông phải gửi cho một đứa con là 400 nghìn, hai đứa con phải mất 800 nghìn, vậy một tháng ông vật lộn với ít nhất là 20 sào ruộng. Một năm là bao nhiêu sào? Bốn năm học của con ông là bao nhiêu? Khi tôi đùa rằng: "Bác là người thợ cày vĩ đại nhất mà tôi từng biết", ông chỉ cười. Thật ra, ông bà Trạch không có nguồn thu nào khác ngoài mấy sào ruộng khoán, vài con lợn nuôi trong chuồng. Các đoàn thể, chính quyền, Hội khuyến học rồi đến Ban công tác Mặt trận thôn đã giúp đỡ ông Trạch vay tiền ngân hàng. Khoản vay tuy không nhiều nhưng cũng giúp các con ông bớt khó khăn. Hè năm vừa rồi, em Huyền về thăm nhà khoe được lĩnh học bổng bằng đô la, nếu tính ra tiền Việt tương đương 9 triệu đồng/tháng. Tôi nhẩm tính, để có số tiền đó trong một tháng, trước đây có lẽ bác Trạch phải cày dễ có đến hàng trăm mẫu ruộng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bà Trạch đã kể về nỗi vất vả vì các con mà mắt lấp lánh niềm vui. Các con của ông bà, thông qua kết quả học tập, rèn luyện của mình đã đền đáp xứng đáng cho những nhọc nhằn, vất vả mà bố mẹ đã trải qua.
Mai Phương