Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, cán bộ tiền khởi nghĩa Phạm Khắc Lân ở thôn Phú Thượng, xã Khánh An không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào khi kể về những năm tháng tham gia cách mạng của mình. Sinh ra và lớn lên ở Khánh An nên hơn ai hết cụ hiểu rõ về đất và người nơi đây. Cụ Lân cụ kể: Những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như bao người dân Việt Nam, nhân dân xã Khánh An sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, cùng với bao thứ thuế và phải chịu cảnh phu, phen tạp dịch quanh năm. Thực dân Pháp còn thực hiện chính sách ngu dân để cai trị, vì thế mà nhiều người trong xã mù chữ... Đói khổ đến cùng cực, người dân Khánh An rất căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai. Hồi đó, tôi cũng như nhiều thanh, thiếu niên trong xã Khánh An được giác ngộ và tham gia xây dựng phong trào Việt Minh; tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên, bà con tham gia cách mạng, truyền bá chữ quốc ngữ… Năm 1948, tôi được kết nạp Đảng. Đến thăm gia đình cụ Lân, điều dễ nhận thấy đó là ngôi nhà đơn sơ, giản dị và ngăn nắp. Khắp gian phòng khách là những tấm huân, huy chương của Đảng, Nhà nước trao tặng cho cụ và gia đình. Bây giờ cuộc sống đã khá hơn trước rất nhiều, con cháu đã sắm cho cụ những chiếc ti vi hay những chiếc đài hiện đại, nhưng cụ Lân vẫn còn giữ những kỷ vật như chiếc Ra-đi-ô, chiếc bình tông... để nhắc nhở, giáo dục con cháu về một thời gian khó nhưng cũng rất đỗi vinh quang của thế hệ cha ông. Cụ Lân nguyên là sĩ quan (thượng úy) của Sư đoàn 320, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và giành nhiều thành tích trong kháng chiến. Từ những cống hiến cho cách mạng, cụ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Chiến sỹ hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình cụ đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng "Bảng vàng danh dự" vì có nhiều đóng góp cho quân đội.
Cách nhà cụ Phạm Khắc Lân không xa là nhà cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Cáp. Trò chuyện với chúng tôi, cụ xúc động bồi hồi nhớ lại quãng đời thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình, cụ Cáp tâm sự: Trước Cách mạng Tháng Tám, phải sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ phong kiến tay sai, đời sống nhân dân cơ cực, lầm than. Quê tôi (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) lúc bấy giờ cũng bị cảnh lầm than một cổ hai tròng. Tôi cũng như nhiều thanh niên trong xã sớm giác ngộ cách mạng và được tín nhiệm cử giữ chức Trưởng thanh niên cứu quốc của xã Triệu Thành, đã cùng nhân dân trong xã tham gia kháng chiến. Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị, tôi tham gia dân quân tự vệ, rồi làm công tác thư báo, đưa cán bộ của ta vào vùng địch hậu. Đến năm 1954, tôi bị địch bắt và bị cầm tù ở Côn Đảo. Sau này, khi địch trao trả tự do, tôi được Đảng, Nhà nước cho đi học chuyên ngành xây dựng và được cấp trên điều ra Ninh Bình công tác. Năm 1962, tôi lập gia đình. Cũng từ đó, mảnh đất Khánh An là quê hương thứ hai của tôi...
Dù trải qua nhiều thăng trầm theo biến thiên của quê hương, đất nước nhưng với cụ Cáp thì những năm tháng đấu tranh kháng Nhật, chống thực dân Pháp mãi là kỷ niệm khó phai mờ. Cụ bảo: Không có Đảng có lẽ nhiều người mãi sống cảnh lầm than, nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương, đất nước đã đổi thay rất nhiều, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những năm trước đây, khi còn khỏe, tôi thường xuyên trở về thăm quê quán và nhận thấy xã Triệu Thành đã và đang có nhiều đổi mới, tôi rất vui. Còn với quê hương Khánh An, sự đổi thay của làng quê đang hiện hữu qua những ngôi nhà cao tầng thay thế cho nhà mái ngói năm xưa; những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối liền các thôn, xóm, tạo thuận lợi cho nhân dân... Đặc biệt, nhiều người dân Khánh An giờ đã thoát ly khỏi đồng ruộng, nhiều nông dân đã trở thành những công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, đời sống được cải thiện, nâng cao. Sự đổi thay của quê hương hôm nay xuất phát từ bàn tay, khối óc của những người cộng sản kiên trung, của nông dân lao động cần mẫn.
Trở về sau những năm tháng bị địch bắt tù đày, cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Cáp tích cực tham gia hoạt động công tác Đảng, chính quyền và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Ty Thương nghiệp Hà Nam Ninh như: Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ; Thư ký công đoàn... Với những đóng góp cho cách mạng, cụ Cáp vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương chống Pháp hạng Nhất; Huy hiệu 67 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trò chuyện với cụ Lân, cụ Cáp, chúng tôi nhận ra một điều: Thế hệ các cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa như họ đã sống, chiến đấu, kiến thiết, xây dựng quê hương bằng động lực, sức mạnh của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cốt lõi là niềm tin. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là những lúc ở chiến trường cam go, khốc liệt, hay ngay cả những lúc bị địch bắt tù đày tra tấn dã man thì những người cộng sản kiên trung như cụ Lân, cụ Cáp vẫn luôn vững tin vào đường hướng mà Đảng, Bác Hồ đã chọn để vượt qua tất cả, cùng đồng đội, nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cụ Lân nói: Niềm tin giúp chúng tôi vượt qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, khốc liệt. 86 tuổi đời, 67 tuổi Đảng, tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương, đất nước, gần đây, qua theo dõi thời sự, đặc biệt là các phiên chất vấn của Quốc hội, chúng tôi thấy yên lòng trước năng lực điều hành của chính quyền, sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng... Còn cụ Cáp không quên nhắn nhủ chúng tôi trước khi ra về: Nhớ lại những kỷ niệm tham gia kháng chiến, chứng kiến những đổi thay của đất nước, thế hệ cán bộ tiền khởi nghĩa chúng tôi vô cùng tự hào và luôn tin tưởng rằng quá trình xây dựng quê hương mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song chúng tôi luôn kỳ vọng vào thế hệ tương lai. Họ có tư duy mới, cách làm mới, phù hợp với xu thế thời đại nhất định sẽ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Mai Lan